Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 22-2, thế giới ghi nhận tổng cộng 426.238.626 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.908.923 ca tử vong. Số người đã bình phục là 353.129.028 ca, trong khi vẫn còn 81.277 ca đang phải điều trị tích cực.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 22-2, thế giới ghi nhận tổng cộng 426.238.626 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.908.923 ca tử vong. Số người đã bình phục là 353.129.028 ca, trong khi vẫn còn 81.277 ca đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, đến nay ghi nhận 80.143.742 ca nhiễm và 960.138 ca tử vong. Với số ca nhiễm gần bằng 1/2 của Mỹ (42.850.066 ca), Ấn Độ đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Brasil đứng thứ hai về số ca tử vong (644.695 ca).
Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay do biến thể Omicron gây ra dự kiến đạt đỉnh trong 3 tuần tới, tức là khoảng giữa tháng 3. Theo Bộ trưởng Airlangga, các địa phương bên ngoài đảo Java và Bali đông dân hiện chiếm 23% trong tổng số 536.358 bệnh nhân Covid-19 đang được chữa trị hoặc tự cách ly tại nhà. Mặc dù số ca mắc mới tăng mạnh, nhưng tỷ lệ lấp đầy giường bệnh (BOR) vẫn trong tầm kiểm soát, do các triệu chứng của Omicron không nghiêm trọng như các triệu chứng do biến thể Delta gây ra. Tỷ lệ này ở mức 38% trên toàn quốc, song chưa đến 30% bên ngoài Java và Bali. Trong khi đó, công suất sử dụng giường trong các khu cách ly tập trung ở mức 5,89% trong tổng số 29.723 giường.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21-2 đã công bố kế hoạch sống chung với Covid-19 của Chính phủ. Theo đó, mọi biện pháp hạn chế phòng dịch, gồm yêu cầu tự cách ly đối với người mắc Covid-19, sẽ được dỡ bỏ tại vùng England từ ngày 24-2. Quy định mới bắt buộc những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 phải tự cách ly sẽ hết hiệu lực từ ngày 24-2. Tuy nhiên, những người này vẫn được khuyến cáo nên tự cách ly trong 5 ngày và tránh tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương. Từ ngày 24-2, Chính phủ cũng sẽ chấm dứt việc truy vết tiếp xúc thông thường và không yêu cầu những người đã tiêm chủng đầy đủ có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 xét nghiệm hằng ngày trong 7 ngày. Với việc dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch, đeo khẩu trang, kể cả trên các phương tiện giao thông công cộng, giờ đây không còn là quy định bắt buộc. Thay vào đó, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ tự quyết định cách tiếp cận phòng dịch, đồng nghĩa với việc các rạp hát và cửa hàng vẫn có thể yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín và đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo kế hoạch, từ ngày 1-4, Anh sẽ ngừng cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 và xét nghiệm
RT-PCR, ngoại trừ đối với những người trên 80 tuổi, những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng và bệnh nhân tại các nhà dưỡng lão. Việc xét nghiệm 2 lần/tuần cho nhân viên và học sinh không triệu chứng ở hầu hết các cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ em, cũng như việc xét nghiệm hàng loạt tại trường học cũng sẽ kết thúc. Chính phủ cũng hủy bỏ yêu cầu hộ chiếu vaccine, nhưng vẫn để ngỏ khả năng áp dụng quy định này cho các doanh nghiệp, rạp hát và các địa điểm công cộng khác.
Kể từ tháng tới, những người từ 75 tuổi trở lên và những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng sẽ được tiêm mũi vaccine thứ 4, 6 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, những người bị suy giảm miễn dịch cũng sẽ được tiêm mũi bổ sung, đối với nhiều người đây sẽ là mũi thứ 5.
Tương tự, Bộ Y tế Peru cũng đã thông báo triển khai tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 4 cho các bệnh nhân ung thư và những người đã được cấy ghép tủy xương, trong trường hợp họ đã được tiêm mũi vaccine gần nhất cách đó 5 tháng. Cùng với đó, mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ 4 cũng sẽ được áp dụng cho các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc tạo máu, hay còn được gọi là cấy ghép tủy xương, trong vòng 2 năm trở lại đây. Theo Bộ Y tế Peru, các trường hợp trên sẽ nhận được liều vaccine tăng cường do Pfizer/BioNTech sản xuất.
Trong 24 giờ qua, Peru đã ghi nhận 4.067 ca mắc mới Covid-19 và 53 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 3.496.000 người, trong đó có gần 200.500 trường hợp không qua khỏi. Hiện có khoảng 72,6% dân số Peru, tương đương 23,8 triệu người, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Chính phủ nước này cũng đã áp dụng mũi vaccine thứ 3 cho khoảng 9,7 triệu người, tương đương 29,7% dân số.
Liên quan công tác phát triển vaccine ngừa Covid-19, hãng Biological E. (Ấn Độ) ngày 21-2 cho biết, vaccine Corbevax do hãng này sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho lứa tuổi từ 12-18. Đây là vaccine thứ ba được cấp phép cho nhóm tuổi này ở Ấn Độ, bên cạnh vaccine ZyCoV-D của Zydus Cadila và vaccine Covaxin của Bharat Biotech (đều của Ấn Độ). Ấn Độ đến nay mới chỉ bắt đầu tiêm cho trẻ từ 15 tuổi trở lên. Theo số liệu chính thức của Chính phủ, hơn 76 triệu trẻ em từ 15-17 tuổi đã được tiêm chủng, chủ yếu bằng vaccine Covaxin.
Cuối tháng 12-2021, Corbevax đã được cấp phép sử dụng cho người trưởng thành, nhưng không được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Gần 1,76 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trong chương trình này ở Ấn Độ, trong đó 84% là vaccine của AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất.
Làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở Ấn Độ do biến thể Omicron làm chủ đạo về cơ bản đang giảm bớt. Nước này ghi nhận 16.051 ca nhiễm mới trong ngày 21-2, so với hơn 300 ngàn ca/ngày hồi cuối tháng trước.
TTXVN