Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống chung an toàn với Covid-19: Hàn Quốc đề nghị các bệnh viện hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh

08:02, 07/02/2022

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị các bệnh viện hỗ trợ chính phủ trong việc phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng khiến số ca mắc mới trong 1 ngày ở nước này lập mốc cao kỷ lục.

* Nhật Bản đặt mục tiêu tiêm 1 triệu mũi vaccine tăng cường/ngày

* Australia sẽ mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 21-2

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị các bệnh viện hỗ trợ chính phủ trong việc phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng khiến số ca mắc mới trong 1 ngày ở nước này lập mốc cao kỷ lục.

Du khách tại sân bay Ngurah Rai, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Du khách tại sân bay Ngurah Rai, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 7-2, Tổng thống Moon Jae-in cũng đã thuyết phục người dân tiêm mũi tăng cường. Theo ông, Hàn Quốc có thể khống chế và vượt qua làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron nếu người dân hợp tác.

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc trong 24 giờ qua vẫn ở mức trên 35 ngàn ca trong ngày thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, số ca nặng và tử vong vẫn ở mức tương đối thấp. Tỷ lệ tử vong của nước này trong ngày 6-2 là 0,66%.

Để đối phó hiệu quả với sự lây lan của biến thể Omicron, Hàn Quốc đã kích hoạt hệ thống phản ứng dịch bệnh mới, trong đó có việc tăng cường xét nghiệm kháng nguyên nhanh sàng lọc Covid-19 và rút ngắn thời gian tự cách ly nhằm giảm thiểu việc gián đoạn và tập trung giảm các ca mắc nặng và tử vong.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ mong muốn đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 lên 1 triệu mũi vaccine tăng cường/ngày vào cuối tháng này, tăng gấp đôi so với tốc độ tiêm hiện nay.

Số ca mắc mới tại Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt mốc 100 ngàn ca/ngày vào tuần trước, song hiện mới có 4,8% trong tổng số 125 triệu người dân nước này tiêm mũi thứ 3. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Anh, Pháp và Đức.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã chỉ thị Bộ trưởng Y tế nước này Shigeyuki Goto và các bộ trưởng khác trong nội các thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine tại các địa phương, tăng cường việc tiêm chủng cho những người làm việc trong ngành thiết yếu, trong đó có giáo viên.

Cũng trong ngày 7-2, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) bắt đầu vận hành lại một trung tâm tiêm chủng đại trà ở Osaka, miền Tây Nhật Bản. SDF đang mở lại các trung tâm ở 2 thành phố. Các địa điểm này sẽ tiêm cho người dân trên 18 tuổi cho đến ngày 31-8. Ban đầu, địa điểm tiêm ở Osaka có thể tiêm 960 mũi vaccine ngừa Covid-19 mỗi ngày, song Thủ tướng Kishida cho biết, ông sẽ nâng công suất tiêm phòng tại khu vực này lên khoảng 2.500 mũi vaccine/ngày từ ngày 14-2.

* Trong thông báo ngày 7-2, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, Ủy ban An ninh quốc gia của nước này vừa nhóm họp và thống nhất về thời hạn mở cửa biên giới quốc gia vào ngày 21-2. Ông nói rõ, kể từ tháng
11-2021, biên giới Australia đã từng bước mở cửa an toàn cho lần lượt các đối tượng từ công dân sở tại, sinh viên quốc tế, một số loại thị thực lao động dài hạn, cho tới công dân một số quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp như: Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nội các Australia đã xem xét cụ thể tình hình quốc gia và khả năng xử lý dịch bệnh hiện tại, dựa trên tư vấn của Ban cố vấn y tế quốc gia, để nhất trí về thời điểm mở cửa hoàn toàn biên giới, đón mọi du khách quốc tế, kể cả khách du lịch ngắn ngày đến với Australia.

Mặc dù vậy, các yêu cầu về kiểm dịch, bao gồm cả quy định cách ly bắt buộc, sẽ do chính quyền các bang quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Những người chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn phải nộp đơn xin miễn trừ y tế nếu muốn nhập cảnh vào Australia và sẽ phải cung cấp bằng chứng rằng họ không thể tiêm chủng vì lý do y tế.

* Trong khi đó, để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch Covid-19, Bộ GT-VT Indonesia vừa ban hành quy định mới đối với công dân nước này và người nước ngoài xuất nhập cảnh bằng đường không với mục đích du lịch.

Theo đó, công dân Indonesia và người nước ngoài xuất nhập cảnh với mục đích du lịch không được sử dụng sân bay Soekarno Hatta - sân bay lớn nhất của Indonesia, nằm ở ngoại ô thủ đô Jakarta.

Trong một tuyên bố ngày 6-2, Vụ trưởng Hàng không dân dụng Novie Riyanto cho biết, các đối tượng trên chỉ được phép đi qua 3 sân bay gồm: I Gusti Ngurah Rai ở Bali, Hang Nadim ở Batam và Raja Haji Fisabilillah ở Tanjung Pinang.

Người nước ngoài nhập cảnh du lịch phải trình thị thực du lịch ngắn hạn hoặc giấy phép nhập cảnh khác theo quy định hiện hành và có bảo hiểm y tế với giá trị thanh toán tối thiểu 25 ngàn USD, cũng như cung cấp bằng chứng đặt phòng và thanh toán tiền phòng khi lưu trú tại Indonesia.

Ông Novie cho biết, Bộ GT-VT sẽ giám sát các nhà khai thác hàng không và các du khách liên quan. Các hãng hàng không sẽ phải cung cấp danh sách hành khách, phi hành đoàn cho lực lượng chức năng ở sân bay.

TTXVN

Tin xem nhiều