Trong một phiên họp đột xuất, Quốc hội Ai Cập ngày 20-7 đã đồng ý gửi các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu bên ngoài lãnh thổ để bảo vệ an ninh quốc gia và chống khủng bố.
Trong một phiên họp đột xuất, Quốc hội Ai Cập ngày 20-7 đã đồng ý gửi các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu bên ngoài lãnh thổ để bảo vệ an ninh quốc gia và chống khủng bố. Quyết định này đồng nghĩa với “tín hiệu đèn xanh” cho phép Tổng thống El Sisi triển khai quân tới nước láng giềng Libya, theo lời kêu gọi của “Chính quyền miền Đông” - Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.
Lực lượng ủng hộ Chính phủ do LHQ bảo trợ tại khu vực Qasr bin Ghashir, phía Nam Tripoli, Libya ngày 4/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Trước đó, Tổng thống El Sisi cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang hỗ trợ cho “Chính quyền miền Tây” - Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj rằng Ankara sẽ bước qua “lằn ranh đỏ” nếu như tấn công vào thành phố ven biển chiến lược Sirte. Theo một số nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào Libya khoảng 16 ngàn quân, chủ yếu là lính đánh thuê từ Syria, cùng nhiều khí tài hiện đại để hỗ trợ cho GNA. Nhờ sự tiếp sức từ Ankara, GNA đã đánh bật LNA ra khỏi thủ đô Tripoli và đang dàn quân chuẩn bị tấn công giành quyền kiểm soát TP. Sirte và căn cứ của LNA ở al-Jafra.
Không thể “khoanh tay đứng nhìn” lực lượng mình hậu thuẫn bị thất thế, Ai Cập đang thực hiện các bước đi hướng tới sự can dự trực tiếp vào tình hình Libya. Việc Cairo công khai “ra mặt” đối đầu với Ankara khiến người ta lo ngại về một cuộc chiến “ủy nhiệm” khốc liệt tại Libya giữa một bên là GNA với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar và bên còn lại là LNA có sự hậu thuẫn của Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) và Nga.
Đức, Pháp và Ý đã ra tuyên bố chung chia sẻ quan ngại về tình hình tại Libya, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ở Libya và các lực lượng công nước ngoài hậu thuẫn ngay lập tức ngừng giao tranh hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Quốc Trung