Sau các vòng đàm phán về tương lai mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) thời kỳ "hậu Brexit" không đạt tiến triển, ngày 15-6, đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson "xuất tướng" đàm phán trực tiếp với các lãnh đạo EU với hy vọng phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Sau các vòng đàm phán về tương lai mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) thời kỳ “hậu Brexit” không đạt tiến triển, ngày 15-6, đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson “xuất tướng” đàm phán trực tiếp với các lãnh đạo EU với hy vọng phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Đối tác đàm phán của Thủ tướng Johnson là Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu. Ảnh: Reuters |
Cả Anh và EU đều muốn tạo ra bước tiến nhưng không bên nào chịu nhượng bộ. Bất đồng chủ yếu ở các vấn đề như: chia sẻ các ngư trường đánh cá, vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), việc tuân thủ các luật lệ và tiêu chuẩn của EU. Ngoài ra, hai bên còn bất đồng về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội.
Trong bối cảnh hạn chót đặt ra cho các cuộc đàm phán chỉ còn 6 tháng nữa (31-12-2020), viễn cảnh Brexit không thỏa thuận đang ngày càng hiện hữu. Brexit không thỏa thuận nhiều khả năng sẽ tạo cú sốc kinh tế không chỉ đối với nước Anh mà còn tác động tiêu cực đến EU và thương mại toàn cầu.
Rõ ràng bên nào cũng nhìn thấy những thiệt hại, nhưng việc nhượng bộ thế nào thì không bên nào chịu đề xuất trước. Vì thế, giới quan sát không kỳ vọng vào sự đột phá nào tại cuộc đàm phán lần này trừ khi Thủ tướng Anh có những quyết định bất ngờ làm thay đổi tình thế. Trong khi đó, phía EU để ngỏ khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp tạo thêm thời gian cho các cuộc đàm phán.
Quốc Trung