Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đang trở thành tâm điểm gây tranh cãi liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đang trở thành tâm điểm gây tranh cãi liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Gần 1 triệu chữ ký kêu gọi ông từ chức, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO (khoảng 400 triệu USD/năm) vì cho rằng ông Tedros và WHO chậm trễ trong việc công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thiên vị Trung Quốc khiến các nước không hiểu đúng mức độ đe dọa của virus corona chủng mới.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP |
Ông Tedros, người Ethiopia, 55 tuổi, có học vị tiến sĩ về sức khỏe cộng đồng. Trước khi được bầu làm Tổng giám đốc WHO vào năm 2017, ông Tedros từng giữ chức Bộ trưởng Y tế và Ngoại trưởng Ethiopia.
Trước những chỉ trích nhắm vào mình, Tổng giám đốc WHO thừa nhận đã “nhận các bài học” và đang tập trung vào ngăn chặn dịch bệnh. Theo ông, các nước thành viên WHO và các tổ chức độc lập có thể đánh giá lại cách đối phó với đại dịch của ông và WHO để rút kinh nghiệm, nhưng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp.
Trong cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 16-4, lãnh đạo các nước không ủng hộ quyết định cắt tài trợ cho WHO của ông Trump, cho rằng thời điểm hiện tại không phù hợp để tác động tới vị trí lãnh đạo WHO bằng cách đánh vào nguồn lực tài chính.
WHO được thành lập vào năm 1948 nhằm tăng cường sức khỏe toàn cầu, thường được ca ngợi vì những nỗ lực mở rộng chương trình tiêm chủng cho bệnh lao, bại liệt và các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Quốc Trung