Liên minh châu Âu (EU) và Anh chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán marathon để hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương sau khi Anh chính thức rời khỏi EU từ ngày 31-1 vừa qua. Tuy nhiên, những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy quá trình đàm phán có thể gặp nhiều trắc trở.
Liên minh châu Âu (EU) và Anh chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán marathon để hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương sau khi Anh chính thức rời khỏi EU từ ngày 31-1 vừa qua. Tuy nhiên, những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy quá trình đàm phán có thể gặp nhiều trắc trở.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ phức tạp và vô cùng khó khăn. Về phần mình, Anh cảnh báo các “ranh giới đỏ” trong đàm phán thương mại với EU, đó là “quyền kiểm soát pháp luật và đời sống chính trị” của nước này. Theo đó, Anh muốn tìm kiếm quan hệ thương mại với EU, tương tự như thỏa thuận thương mại mà khối này đã có với Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Trong khi đó, EU cho rằng, nếu Anh muốn một thỏa thuận thương mại tốt nhất có thể, nước này sẽ phải tuân thủ nhiều quy tắc khác nhau, từ các khoản hỗ trợ của chính phủ đến tiêu chuẩn môi trường và cho phép các tàu đánh cá của EU khai thác trên vùng biển nước này.
Quan điểm cứng rắn của Anh và EU cũng được cho có thể là chiến thuật của hai bên, áp đảo đối phương ngay từ khi bắt đầu để buộc một bên phải nhượng bộ. Nếu không đạt được thỏa thuận, nước Anh sẽ rời khỏi mái nhà chung mà không có được thỏa thuận nào. Điều này sẽ khiến hoạt động kinh doanh tại khu vực này trở nên tốn kém và khó lường. Khi đó, hằng năm Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sang EU. Ngược lại, một số thành viên EU, nhất là Ireland cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Quốc Trung