Với chủ đề "Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại," trong bài phát biểu kéo dài hơn 1 giờ, Tổng thống Trump dành phần lớn thời gian để ca tụng những thành tựu "tuyệt vời" mà chính quyền của ông đã đạt được.
Với chủ đề “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại,” trong bài phát biểu kéo dài hơn 1 giờ, Tổng thống Trump dành phần lớn thời gian để ca tụng những thành tựu “tuyệt vời” mà chính quyền của ông đã đạt được.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 4/2 (giờ Mỹ, sáng 5-2 giờ Việt Nam) đã đọc Thông điệp Liên bang tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội trong bối cảnh chính trường nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.
Đây là Thông điệp liên bang thứ ba của Tổng thống Trump kể từ khi nhậm chức, song là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên, bởi vậy bài phát biểu này được đánh giá là “cơ hội vàng” để ông chủ Nhà Trắng chứng minh cho cử tri thấy rằng mình xứng đáng được lựa chọn để tiếp tục chèo lái con thuyền nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo.
Với chủ đề “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại,” trong bài phát biểu kéo dài hơn 1 giờ, Tổng thống Trump đã dành phần lớn thời gian để ca tụng những thành tựu “tuyệt vời” mà chính quyền của ông đã đạt được khi "hồi sinh" nền kinh tế Mỹ.
Đó là 7 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong thời gian 3 năm ông làm tổng thống, là tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, đời sống của công nhân và tầng lớp trung lưu được nâng cao, đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ bị chặn đứng, hệ thống an sinh xã hội được cải thiện, tỷ lệ tội phạm giảm mạnh, biên giới phía Nam được củng cố để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.
Ông khẳng định đã giữ lời hứa với cử tri Mỹ khi đang nỗ lực "xây dựng một xã hội thịnh vượng và toàn diện nhất thế giới - một nơi mà mọi người dân đều có thể tham gia."
Đặc biệt, ông Trump đã nhấn mạnh tới một yếu tố nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Phi, gốc Á và Mỹ Latinh, đó là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm đối tượng này thấp nhất trong lịch sử.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng ca tụng sức mạnh quân sự của Mỹ với những khí tài tốt nhất và việc thành lập Lực lượng vũ trụ - một quân chủng hoàn toàn mới trong lực lượng vũ trang Mỹ.
Tổng thống Trump cũng không quên tận dụng cơ hội này để công kích kế hoạch mà đảng Dân chủ thúc đẩy nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khi nhấn mạnh kế hoạch này hủy hoại hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ.
Về đối ngoại, Thông điệp liên bang của Tổng thống Trump không đưa ra một tuyên bố hay định hướng chính sách quan trọng nào. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng tập trung đưa ra những luận điểm nhằm vẽ nên bức tranh về một nhà lãnh đạo đang hoàn toàn kiểm soát tốt chính sách đối ngoại, từ việc tiêu diệt các phần tử khủng bố khét tiếng mà đặc biệt là thủ lĩnh tối cao tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi, chính sách gia tăng sức ép với Iran trong vấn đề hạt nhân cho tới nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột ở Trung Đông hay Afghanistan nhằm bảo vệ tính mạng của người Mỹ.
Ông cũng đề cập tới những thành tựu đạt được trong đàm phán thương mại như Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada, Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc hay buộc các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng đóng góp ngân sách quốc phòng để chia sẻ trách nhiệm với Mỹ.
Có thể nói, những nội dung mà Tổng thống Trump đề cập trong Thông điệp liên bang được cho cũng sẽ là những chủ đề chính trong chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp liên bang lần thứ 3 tại Washington DC., ngày 4-2-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Với việc nhấn mạnh tới những thành tựu mà Mỹ đạt được trong thời gian qua, Tổng thống Trump muốn truyền tải một thông điệp quan trọng tới cử tri rằng ông đã giữ lời hứa khi đưa nước Mỹ "vĩ đại trở lại" và đây được xem là “át chủ bài” quyết định lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 mà ông sẽ tái tranh cử.
Ngay trước khi Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang, hãng Gallup công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông là 49% - mức tín nhiệm cao nhất của ông trong các cuộc khảo sát kể từ khi nhậm chức.
Giới quan sát nhận định sự kiện ông Trump đọc thông điệp liên bang lần này mang hơi hướng của một cuộc vận động tranh cử, với những tràng vỗ tay tán dương từ các nghị sỹ đảng Cộng hòa, trong khi bầu không khí ở các nghị sỹ đảng Dân chủ lại rất căng thẳng.
Sự chia rẽ càng được thể hiện rõ qua việc một số nghị sỹ đảng Dân chủ sau đó đã chỉ trích bài phát biểu hằng năm của Tổng thống Trump, nhất là việc ông Trump không đề cập đến các vấn đề nổi cộm như biến đổi khí hậu và kiểm soát súng đạn.
Dù Tổng thống Trump đưa ra những số liệu hùng hồn về những thành quả kinh tế mà chính quyền của ông đã đạt được, song trên thực tế, bức tranh kinh tế Mỹ không phải chỉ toàn "màu hồng."
Một trong những thước đo chính cho sức khỏe của nền kinh tế là GDP thực đang tăng trưởng chậm hơn 2 năm trước.
Năm ngoái, GDP thực của Mỹ chỉ tăng 2,3% trong khi năm 2018 là 2,8% - thấp hơn rất nhiều so với con số 4% tăng trưởng mà ông Trump từng hứa hẹn vào năm 2016.
Trong khi đó, tăng trưởng việc làm cũng chậm lại kể từ năm 2018. Mức tăng trong năm 2019 là 2,1 triệu việc làm, giảm mạnh so với mức tăng năm 2018 là 2,7 triệu việc làm.
Trong các vấn đề đối ngoại, những "thành tích" mà ông Trump đề cập đều có nhiều điểm vướng mắc.
Dù thủ lĩnh khủng bố al-Baghdadi đã bị tiêu diệt, song nguy cơ khủng bố vẫn còn nguyên vẹn khi IS tiếp tục là mối đe dọa đối với người dân ở Iraq và Syria cũng như binh lính Mỹ đồn trú trong khu vực.
Chính sách của Mỹ đối với Iran đang khiến thỏa thuận hạt nhân lịch sử có nguy cơ đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, đe dọa sự ổn định và an ninh khu vực.
Chưa kể vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông đang suy giảm. Mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh trong NATO tiếp tục sứt mẻ.
Trong vấn đề thương mại, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc dù giúp xoa dịu căng thẳng giữa 2 siêu cường kinh tế, song đây chưa phải là một thỏa thuận toàn diện. Thách thức vẫn còn ở phía trước khi những vấn đề “gai góc” nhất giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được tháo gỡ.
Qua bản Thông điệp liên bang 2020, Tổng thống Trump có lẽ muốn khẳng định rằng nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông "đã vĩ đại trở lại."
Song thông điệp này có thuyết phục được các cử tri Mỹ hay không, nói cách khác, thông điệp này có phải là "chìa khóa" đưa Tổng thống Trump "trở lại" Nhà Trắng sau cuộc bầu cử cuối năm nay hay không, thì dường như câu trả lời còn chưa rõ ràng./.
(TTXVN/Vietnam+)