Các học giả Ấn Độ và Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông với thương mại và hàng hải quốc tế, có 9/10 cảng container bận nhất thế giới nằm ở khu này; lượng hàng hóa đạt 5.000 tỷ USD.
Ngày 29-11, tại trung tâm Hội thảo quốc tế ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã diễn ra hội thảo khoa học: "Biển Đông - những thách thức hiện tại và triển vọng tương lai".
Nhà giàn Huyền Trân DK 1/7. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, qua 3 phiên thảo luận, các học giả Ấn Độ và Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông đối với thương mại và hàng hải quốc tế, có 9 trong 10 cảng container bận rộn nhất thế giới nằm trong khu vực này và lượng hàng hóa vận chuyển qua khu vực hằng năm trị giá khoảng 5.000 tỷ USD.
Do đó, Biển Đông không chỉ liên quan tới khu vực Đông Nam Á mà gắn liền với lợi ích và sự quan tâm toàn cầu, trong đó có lợi ích của Ấn Độ.
Các diễn biến tại Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại và lợi ích kinh tế của Ấn Độ.
Theo các học giả, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhiều tàu hộ tống có vũ trang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xung quanh khu vực bãi Tư Chính trong nhiều tháng đã làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, gây lo ngại đối với cộng đồng quốc tế.
Điều này làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc và suy giảm lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với nước này.
Việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 cũng thách thức trật tự thế giới dựa trên luật lệ, vốn là nền tảng cho ổn định trên biển và tự do hàng hải.
Cũng tại hội thảo, các học giả khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là văn bản có tính pháp lý như hiến pháp về biển.
Các hội giả kêu gọi các quốc gia liên quan sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) phù hợp với chuẩn mực và luật pháp quốc tế nhằm đem lại hòa bình và ổn định khu vực./.