Ấn Độ tin rằng cần phải có một trật tự dựa trên quy tắc, nơi có sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và phải có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông.
Ấn Độ tin rằng cần phải có một trật tự dựa trên quy tắc, nơi có sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và phải có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông.
Ảnh minh họa. (Nguồn: NDTV) |
Bí thư Phương Đông (Thứ trưởng phụ trách Phương Đông) Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur ngày 21-11 khẳng định quan điểm của Ấn Độ rằng các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông đóng vai trò trọng yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Do đó việc đảm bảo tự do hàng hải tại đây có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn phát biểu tại Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 3 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức, bà Thakur nhấn mạnh Ấn Độ đã nêu rất rõ tầm nhìn của mình rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Trong bối cảnh đó, New Delhi nhận thấy tầm quan trọng to lớn của Biển Đông bởi đây là một tuyến hàng hải quốc tế có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD và hơn 30% nguồn cung dầu thô quốc tế đi qua.
Bà nói: "Chúng tôi tin rằng cần phải có một trật tự dựa trên quy tắc, nơi có sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và phải có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Không được sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Các quốc gia đang tham gia đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử. Chúng tôi hy vọng bộ quy tắc đang được đàm phán này tôn trọng luật pháp quốc tế."
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đánh giá cao lập trường của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh những căng thẳng gần đây liên quan đến vùng biển này.
Đại sứ cũng bày tỏ Việt Nam, nước sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020, thông cảm với những mối quan ngại chính đáng của Ấn Độ khi quyết định không gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hiện hai nước đang có 15 cơ chế để tăng cường quan hệ song phương và Việt Nam cũng hy vọng hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh mạng và an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, hai nước cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.
Cũng tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu lên những yếu tố tác động đến quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong hiện tại và tương lai, như những biến chuyển về chính trị, an ninh, xã hội, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, các điểm nóng của khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương trong dòng xoáy quan hệ Mỹ-Trung, các định chế quốc tế đang bị thách thức…
Ông Lê Văn Toan nhấn mạnh bối cảnh mới, tầm nhìn mới đòi hỏi Việt Nam và Ấn Độ phải không ngừng đoàn kết, tăng cường lòng tin chính trị, luôn đứng bên nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, như cựu Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee từng phát biểu trong lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày 15/9/2014 rằng "để bảo vệ lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng bên nhau… Ấn Độ sẽ luôn là người bạn tin cậy, thủy chung của Việt Nam./."
(TTXVN/Vietnam+)