Việc bổ nhiệm các thứ trưởng nói trên diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Widodo giới thiệu nội các nhiệm kỳ thứ hai của mình với tổng cộng 34 bộ trưởng và 4 lãnh đạo cơ quan ngang bộ.
Việc bổ nhiệm các thứ trưởng nói trên diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Widodo giới thiệu nội các nhiệm kỳ thứ hai của mình với tổng cộng 34 bộ trưởng và 4 lãnh đạo cơ quan ngang bộ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ 6, trái, hàng trước) chụp ảnh lưu niệm cùng nội các mới tại thủ đô Jakarta ngày 23-10-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 25-10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bổ nhiệm 12 thứ trưởng trong nội các nhiệm kỳ 2019-2024.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, lễ ra mắt của các tân thứ trưởng được tổ chức vào chiều cùng ngày, với sự tham dự của Phó Tổng thống Ma'ruf Amin, một số bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức nhà nước và các đảng phái chính trị.
Ngoài hai thứ trưởng các Bộ Doanh nghiệp Nhà nước, danh sách còn có thứ trưởng các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tôn giáo, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Công trình công cộng và nhà ở, Bộ Môi trường và rừng, Bộ Các khu vực kém phát triển và di cư, Bộ Đất đai và quy hoạch không gian, Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo.
Việc bổ nhiệm các thứ trưởng nói trên diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Widodo giới thiệu nội các nhiệm kỳ thứ hai của mình với tổng cộng 34 bộ trưởng và 4 lãnh đạo cơ quan ngang bộ.
Trước đó, Chính phủ Indonesia nhiệm kỳ 2014-2019 có tổng cộng 34 bộ trưởng, 4 lãnh đạo các cơ quan ngang bộ, và 3 thứ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng và mỏ.
Theo các nhà phân tích, việc tăng số lượng thứ trưởng phản ánh mong muốn của Tổng thống Widodo tập hợp càng nhiều càng tốt đại diện của các đảng phái chính trị trong chính quyền của mình.
Trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng này, Tổng thống tái đắc cử Widodo cam kết tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở, tăng cường triển khai các dự án kết nối các cảng biển và sân bay trên toàn quốc thành các trung tâm nông nghiệp và du lịch.
Chính phủ cũng sẽ chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Indonesia bị đánh giá là "tụt hậu" so với một số nước láng giềng về phát triển lực lượng lao động lành nghề.
Cụ thể, Chính phủ Indonesia sẽ đầu tư vào các trường dạy nghề, thành lập một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các tài năng cũng như tận dụng tối đa năng lực của những người Indonesia định cư ở nước ngoài...
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Indonesia cũng cam kết "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, coi đây là một nguồn quan trọng góp phần tạo thêm nhiều việc làm trong nước, qua đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân tăng trưởng.
Tổng thống Joko Widodo nêu rõ nạn tham nhũng và lợi ích nhóm là nguyên nhân chính cản trở vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nền kinh tế Indonesia./.
(TTXVN/Vietnam+)