Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi tạo ra 'chương mới' cho vùng Catalonia

07:10, 14/10/2019

Ngày 14-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez tuyên bố đã đến lúc "sang trang" trong các mối quan hệ với vùng Catalonia sau khi 9 cựu quan chức vùng này bị phạt tù liên quan tới phong trào đòi ly khai.

Ngày 14-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố đã đến lúc "sang trang" trong các mối quan hệ với vùng Catalonia sau khi 9 cựu quan chức vùng này bị phạt tù liên quan tới phong trào đòi ly khai hồi năm 2017.

Cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 7-9-2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 7-9-2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu sau phán quyết của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha, Thủ tướng Sanchez cho biết: "Quyết định đưa ra ngày hôm nay xác nhận sự thất bại của một phong trào không thể tìm kiếm sự ủng hộ ở trong nước và sự công nhận của quốc tế. Sau quyết định của Tòa án Tối cao, chúng ta cần lật sang trang mới dựa trên sự cùng tồn tại hòa bình ở Catalonia thông qua đối thoại."

Ông Sanchez nhấn mạnh Tây Ban Nha có thể "bắt đầu một chương mới" cho vùng Catalonia.

Cũng theo Thủ tướng Tây Ban Nha, chính phủ nước này sẽ "làm việc trong những ngày tới để đảm bảo trật tự công cộng," bảo vệ luật pháp và phản ứng thích đáng đối với bất kỳ hành động vi phạm pháp luật nào.

Ông khẳng định chính quyền trung ương Madrid sẽ tiếp tục hàn gắn những rạn nứt do phong trào ly khai gây ra.

Trước đó cùng ngày, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã kết án 9 cựu quan chức vùng Catalonia mỗi người từ 9-13 năm tù giam vì tội nổi loạn liên quan nỗ lực đòi ly khai bất thành cho vùng này hồi năm 2017.

Ngoài ra, còn có 3 nhân vật khác mặc dù thoát án tù giam nhưng phải nộp phạt. Tất cả 12 đối tượng này đã bị đưa ra xét xử hồi tháng Hai vừa qua.

Thủ hiến vùng Catalonia Quim Torra đã đề nghị ân xá cho các thủ lĩnh đòi ly khai.

Hồi tháng 10/2017, cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont và chính quyền vùng đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ này bất chấp lệnh cấm từ tòa án.

Sau đó, vùng Catalonia đơn phương tuyên bố tách ra độc lập với Tây Ban Nha.

Những động thái này đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ, buộc chính quyền trung ương Madrid phải can thiệp, lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp, giải tán chính quyền vùng và kêu gọi bầu cử sớm./.

 (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều