Sau nhiều tháng đình trệ, các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hôm nay 5-10 được nối lại tại Stockholm (Thụy Điển).
Sau nhiều tháng đình trệ, các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hôm nay 5-10 được nối lại tại Stockholm (Thụy Điển).
Một số thành viên của đoàn đàm phán được nhìn thấy đáp chuyến bay tới Stockholm ngày 3-10. Ảnh: Yonhap |
Ngay trước khi phái đoàn của Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên Kim Myong Gil “xuất quân”, Bình Nhưỡng đã cho thử tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 1.900km. Với động thái này, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un muốn giành lợi thế trên bàn đàm phán và phát đi thông điệp rằng Triều Tiên có khả năng phát triển vũ khí răn đe, trong đó có tên lửa đạn đạo tầm xa.
Thay vì lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng như thường lệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bất ngờ làm giảm tính nghiêm trọng của vụ việc khi tuyên bố vẫn tiến hành đối thoại với Triều Tiên như kế hoạch.
Giới phân tích cho rằng, Mỹ đang nhìn nhận lại vai trò quan trọng của Triều Tiên trong bài toán tái cân bằng chiến lược trong khu vực, nhất là việc kiềm chế tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên sẽ mở ra con đường tốt nhất cho Mỹ để định hình môi trường an ninh Đông Bắc Á trong tương lai.
Mỹ sẽ thuyết phục đồng minh Hàn Quốc để kéo Triều Tiên về gần quỹ đạo của mình. Điều này đòi hỏi Washington và Seoul phải cam kết một cách toàn diện với Bình Nhưỡng. Và để thành công, cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên phải cùng thiện chí và nắm lấy cơ hội.
Quốc Trung