Các quan chức EU ra tuyên bố chung khẳng định đã đến lúc khởi động các cuộc đàm phán với Bắc Macedonia và Albania về kế hoạch cho phép các nước này gia nhập EU.
Các quan chức EU ra tuyên bố chung khẳng định đã đến lúc khởi động các cuộc đàm phán với Bắc Macedonia và Albania về kế hoạch cho phép các nước này gia nhập EU.
Quang cảnh quảng trường tại Skopje, Cộng hòa Bắc Macedonia, ngày 6-2-2019. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngày 3-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker và người kế nhiệm là bà Ursula von der Leyen, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã ra tuyên bố chung khẳng định đã đến lúc khởi động các cuộc đàm phán với Bắc Macedonia và Albania về kế hoạch cho phép các nước này gia nhập EU.
Mặc dù chưa nhận được sự nhất trí của tất cả các nước thành viên, song tuyên bố trên thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của EU đối với 2 quốc gia khu vực Tây Balkan trong nỗ lực trở thành thành viên EU.
Một số nước, đặc biệt là Pháp và Hà Lan vẫn chưa "sẵn sàng mở cửa" đón các thành viên mới trong bối cảnh liên minh còn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết như nạn tham nhũng hay bất đồng về quy định luật pháp giữa các nước Đông Âu như Romania, Hungary với sự đoàn kết của cả khối.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu EU nhấn mạnh rằng các nước thành viên đã nhất trí hơn về mặt nguyên tắc so với một năm trước, tức là nên bắt đầu các cuộc đàm phán với Bắc Macedonia và Albania, đồng thời cam kết sẽ đưa ra một quyết định chính thức trong tháng này.
Theo giới chức EU, hai nước Bắc Macedonia và Albania đã đáp ứng các yêu cầu của EU liên quan tới các vấn đề cải cách để chuẩn bị cho kế hoạch gia nhập "ngôi nhà chung."
Việc Bắc Macedonia, một nước Cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư cũ, đồng ý đổi tên từ Macedonia trong năm nay, chấm dứt hơn hai thập niên tranh cãi với Hy Lạp về tên gọi, đã dỡ bỏ được một rào cản đối với việc trở thành thành viên của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, giới chức EU cảnh báo cho dù các cuộc đàm phán được khởi động, không có gì đảm bảo tiến trình này sẽ thành công và tiến trình cải cách tại Bắc Macedonia và Albania vẫn phải được tiếp tục thực hiện./.
(TTXVN/Vietnam+)