Mục tiêu của thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời giữa Đức, Pháp, Italy và Malta là tránh để xảy ra các thảm kịch nhưng cơ chế tạm thời này không được các nước thành viên EU khác đón nhận.
Mục tiêu của thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời giữa Đức, Pháp, Italy và Malta là tránh để xảy ra các thảm kịch nhưng cơ chế tạm thời này không được các nước thành viên EU khác đón nhận.
Tàu cứu hộ giải cứu người di cư trên biển ở gần đảo Lampedusa, Italy, ngày 20-8-2019. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngày 8-10, Đức, Pháp, Italy và Malta đã hối thúc các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ việc tiếp nhận những người di cư được cứu, song cơ chế tạm thời mà 4 nước này nhất trí tháng trước không được các nước thành viên khác đón nhận.
Phát biểu tại cuộc họp các Bộ trưởng Nội vụ EU ở Luxembourg, Ủy viên EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos nhấn mạnh không nên để những gì đang xảy ra tại Địa Trung Hải tiếp diễn.
Theo ông, các bên không thể chỉ tìm ra một giải pháp đặc biệt, mà còn cần một cơ chế thường trực.
Cuộc họp trên diễn ra một ngày sau khi xảy ra vụ lật thuyền chở 50 người di cư ở ngoài khơi đảo Lampedusa của Italy, khiến ít nhất 13 phụ nữ chết đuối.
Mục tiêu của thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời giữa Đức, Pháp, Italy và Malta là tránh để xảy ra các thảm kịch tương tự trong tương lai và tìm ra giải pháp cho những tàu giải cứu của các tổ chức phi chính phủ.
Các tàu này thường bị từ chối vào các vùng biển của EU trong nhiều tuần.
Tại cuộc họp, Đức, Pháp, Italy và Malta bày tỏ mong muốn có được sự ủng hộ của những người đồng cấp EU đối với thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời mà các bên đạt được vào ngày 23/9 vừa qua.
Trong 6 tháng, cơ chế mới này sẽ cho phép tự động phân bổ người di cư trái phép được giải cứu tại Địa Trung Hải giữa các nước.
Tuy nhiên, một số nước EU cho rằng thỏa thuận trên có thể trở thành yếu tố khuyến khích thêm tàu vượt biên.
Theo nguồn tin ngoại giao, Bulgaria, Cyprus, Đan Mạch, Hungary và Hà Lan phản đối hoặc tỏ ra e ngại về cơ chế này.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thừa nhận mối quan ngại trên cũng như khả năng dễ đổ vỡ của thỏa thuận.
Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu không có chính sách chung về người tị nạn của EU, vấn đề di cư không kiểm soát sẽ một lần nữa xảy ra trên khắp châu Âu.
Về phần mình, Bộ trưởng Pháp về các vấn đề EU Amelie de Montchalin bày tỏ hy vọng các nước thành viên EU sẽ xem xét thỏa thuận trên từ góc nhìn nhân đạo.
Bà nêu rõ vấn đề này là mối quan tâm chung của EU và không thể chỉ giải quyết bởi 4 nước.
Theo số liệu được Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) công bố hồi tháng Hai vừa qua, số người di cư bất hợp pháp vào EU đã giảm mạnh trong năm 2018.
Tuy nhiên, hàng nghìn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn bất chấp nguy hiểm để vượt biển.
Làn sóng nhập cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư tại châu Âu./.
(TTXVN/Vietnam+)