Cả Anh và EU đều lạc quan thận trọng về khả năng đạt thỏa thuận Brexit do các bộ trưởng châu Âu cảnh báo họ sẽ không cho phép London sử dụng Bắc Ireland như "cửa sau" của thị trường chung châu Âu.
Cả Anh và EU đều lạc quan thận trọng về khả năng đạt thỏa thuận Brexit do các bộ trưởng châu Âu cảnh báo họ sẽ không cho phép London sử dụng Bắc Ireland như "cửa sau" của thị trường chung châu Âu.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier (phải) và Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ, ngày 11-10-2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Ngày 15-10, các nhà đàm phán Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực để đạt được văn bản dự thảo cho thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi EU), chỉ 2 ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU được xem là hội nghị cuối cùng trước khi "xứ sở sương mù" rời khỏi "ngôi nhà chung" theo kế hoạch vào ngày 31/10 tới.
Mặc dù vậy, cả Anh và EU đều đưa ra sự lạc quan thận trọng về khả năng một thỏa thuận Brexit có thể đạt được trong tuần này do các bộ trưởng châu Âu cảnh báo họ sẽ không cho phép London sử dụng Bắc Ireland như "cửa sau" của thị trường chung châu Âu.
Trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã thông báo với các nước thành viên rằng một văn bản pháp lý sẽ được đưa ra thảo luận chậm nhất trong ngày 16-10 để xem liệu nó có được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 17 và 18-10, kịp cho phiên họp đặc biệt của Quốc hội Anh vào ngày 19-10 hay không.
Điểm bế tắc chính hiện nay đối với việc đạt được một thỏa thuận trước thời hạn Anh ra khỏi EU vào ngày 31-10 là những sắp xếp về hải quan và an ninh tại biên giới giữa quốc gia thành viên của EU là Ireland và Bắc Ireland của Anh.
Anh đề xuất rằng Bắc Ireland sẽ vẫn ở lại khu vực hải quan của Anh, nhưng thuế của EU được áp với tất cả các hàng hóa từ lục địa của Anh tới đảo này.
Trong khi đó, EU cho rằng để đạt được thỏa thuận cần cân nhắc trở lại giải pháp là giữ Bắc Ireland trong Liên minh hải quan của khối mà Anh đã bác bỏ trước đó.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã có cuộc điện đàm mà theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh là một cuộc thảo luận mang tính xây dựng.
Theo đó, Thủ tướng Boris Johnson đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng các quan chức Anh sẽ tiếp tục dốc sức để đảm bảo một thỏa thuận Brexit trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU.
Khi được đề nghị bình luận về phát biểu của trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit rằng một văn bản hợp pháp cho thỏa thuận Brexit nên được nhất trí trước cuối ngày 15-10, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói, ông Johnson biết rõ những thúc ép về thời gian.
Theo người phát ngôn này, nếu một thỏa thuận được đảm bảo, Thủ tướng Johnson hy vọng quốc hội sẽ làm việc khẩn trương để thông qua một dự luật cần thiết để Anh ra đi đúng thời hạn chót là ngày 31/10.
Trong khi đó, Pháp hoan nghênh diễn biến tích cực các bên đạt được trong cuộc đàm phán nhằm đảm bảo đạt được một thỏa thuận Brexit.
Phát biểu tại họp báo, cố vấn của Tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Có khả năng đạt được thỏa thuận và mọi người đều công nhận điều này. Mặc dù chưa biết chắc chắn, chúng tôi hy vọng về một thỏa thuận."
Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay cũng bày tỏ rằng rất có thể "thỏa thuận ly dị" với EU sẽ đạt được.
Anh chuẩn bị rời EU vào ngày 31-10 tới và Hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 17-18/10 được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để hai bên thông qua một thỏa thuận giúp đảm bảo khung thời gian kể trên.
Thủ tướng Anh Boris Johnson luôn khẳng định quốc gia này sẽ rời EU vào cuối tháng dù có hay không có thỏa thuận, trong khi phát biểu trước Quốc hội hôm 14/10, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị cũng tái khẳng định quan điểm này.
Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Johnson không đạt được một thỏa thuận Brexit vào ngày 19-10, sau khi hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc, ông sẽ phải tuân thủ một luật mới được thông qua hồi tháng Chín, trong đó yêu cầu chính phủ đề nghị trì hoãn Brexit thêm 3 tháng./.
(TTXVN/Vietnam+)