Báo Đồng Nai điện tử
En

ADB: Các nước đang phát triển ở châu Á cần được việc trợ ưu đãi

10:09, 30/09/2019

Báo cáo của ADB cảnh báo nếu các nước châu Á-Thái Bình Dương không nỗ lực hơn nữa, thì khó có thể đạt được bất kỳ mục tiêu về phát triển bền vững nào vào năm 2030.

Báo cáo của ADB cảnh báo nếu các nước châu Á-Thái Bình Dương không nỗ lực hơn nữa, thì khó có thể đạt được bất kỳ mục tiêu về phát triển bền vững nào vào năm 2030.

Đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, bị ngập sâu do triều cường. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, bị ngập sâu do triều cường. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Theo một báo cáo đánh giá độc lập của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 309, các nước đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần được viện trợ ưu đãi hơn nữa để có thêm cơ hội đạt được mục tiêu về phát triển bền vững (SDG).

Báo cáo cho biết tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, các cuộc khủng hoảng liên quan tới biến đổi khí hậu ngày càng nhiều, nhất là ở các đảo san hô nhỏ ở Thái Bình Dương, xung đột dai dẳng và mất an ninh thường xuyên xảy ra ở một vài nước, cho thấy những thành quả đạt được trong xóa đói giảm nghèo ở khu vực này có nguy cơ bị đảo ngược về trung hạn, cũng như sẽ không đạt được đủ tiến bộ về giảm bớt tình trạng ấm lên của Trái Đất, hòa bình và an ninh toàn cầu.

Báo cáo cảnh báo nếu các nước trong khu vực không nỗ lực hơn nữa, thì khó có thể đạt được bất kỳ SDG nào vào năm 2030.

Báo cáo đã tiến hành đánh giá kết quả của việc sử dụng các khoản cho vay ưu đãi và viện trợ của ADB trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2018. Theo báo cáo, viện trợ ưu đãi của ADB trong giai đoạn này đã lên tới gần 21 tỷ USD, trong đó gần 6 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại. Số trường hợp nghèo đói cùng cực trong khu vực tiếp tục giảm, song vẫn cần tới chương trình nghị sự về phát triển bền vững quy mô lớn.

[Khi biến đổi khí hậu đe dọa nền hòa bình trên toàn thế giới]

Theo một đánh giá gần đây về tiến bộ hướng tới SDG, nếu cứ theo xu hướng hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu phát triển bền vững nào trong số 17 SDG vào năm 2030.

Đánh giá này cho thấy các nước đạt được ít tiến bộ về chấm dứt đói nghèo, giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ sự sống ở biển và trên đất liền hay hướng tới ủng hộ các thể chế vì hòa bình và công bằng.

Ngoài ra, nhu cầu về hạ tầng cơ sở trong khu vực này vẫn rất lớn bởi 130 triệu người không có điện sử dụng, 600 triệu người thiếu điều kiện vệ sinh và sự kết nối dải sóng rộng vẫn ở mức thấp.

Trong khi đó, châu Á là khu vực hứng chịu 70% thảm họa thiên tai trên thế giới. Các quốc đảo ở Thái Bình Dương đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Xung đột đang leo thang ở một số nước trong khu vực. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 1/3 lượng khí thải CO2 của thế giới và do đó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, trong một số lĩnh vực, xu hướng đạt mục tiêu phát triển bền vữn có nguy cơ bị đảo ngược ví dụ như về nước sạch, điều kiện vệ sinh, đảm bảo việc làm tốt... Các mục tiêu liên quan tới bảo vệ đa dạng sinh học đều cho thấy xu hướng tiêu cực.

Theo báo cáo, 40% dân số ở những nước nhận viện trợ ưu đãi được cho là sống dưới ngưỡng nghèo cùng cực và do vậy, đời sống kinh tế bấp bênh. Những thành quả đạt được trong xóa đói giảm nghèo tại khu vực này rất dễ bị đảo ngược một cách nhanh chóng./.

 (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều