Thủ tướng Anh Johnson đã nhiều lần khẳng định sẽ đưa Anh rời khỏi EU theo đúng thời hạn chót vào ngày 31-10 tới dù có hay không đạt được thỏa thuận với EU.
Thủ tướng Anh Johnson đã nhiều lần khẳng định sẽ đưa Anh rời khỏi EU theo đúng thời hạn chót vào ngày 31-10 tới dù có hay không đạt được thỏa thuận với EU.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU tại thủ đô London. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Người dân Anh muốn các nhà chính trị nước này thực hiện Brexit (Anh rời EU), và họ sẽ tức giận nếu việc này không được đảm bảo.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14-8 đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trả lời qua Facebook trong phiên hỏi đáp "People's PMQs."
Khi được hỏi liệu ông có tổ chức một cuộc bầu cử sau ngày 31-10 nhằm đảm bảo Quốc hội không thể cản trở tiến trình Brexit vào thời điểm đó, ông Johnson nêu rõ: "Tôi cho rằng người dân Anh đã có rất nhiều cuộc bầu cử và các sự kiện bầu cử. Những gì họ muốn chúng ta làm là thực hiện Brexit vào ngày 31-10 và tôi luôn nói rằng đó là những gì chúng tôi đang làm".
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng một số nghị sỹ Anh phản đối Brexit đang "cộng tác" với EU, nhằm buộc Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận.
Theo nhà lãnh đạo Anh, EU cần thỏa hiệp để tránh một Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10. Ông cho rằng thế bế tắc càng tiếp tục kéo dài thì một Brexit không thỏa thuận càng có khả năng xảy ra.
[Chủ tịch Hạ viện Anh sẽ ngăn Thủ tướng đóng cửa Nghị viện]
Thủ tướng Johnson đã nhiều lần khẳng định sẽ đưa Anh rời khỏi EU theo đúng thời hạn chót vào ngày 31-10 tới dù có hay không đạt được thỏa thuận với EU. Ông cũng không loại trừ khả năng sẽ đình chỉ hoạt động của Nghị viện Anh nếu cản trở tiến trình này.
Hiện kế hoạch thực hiện Brexit ngay cả khi không có thỏa thuận không nhận được sự ủng hộ tại Nghị viện Anh.
Một số nghị sỹ nước này đang tìm cách ngăn cản mọi động thái hiện thực hóa kế hoạch này, trong đó có cả kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Johnson khi Nghị viện làm việc trở lại vào tháng 9 tới.
Hiện chính phủ của ông Johson đang có thế đa số rất mong manh, với chỉ 1 phiếu quá bán tại Nghị viện Anh.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ mong muốn Anh vẫn duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ với EU sau Brexit.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin với Tổng thống Litva đang thăm Đức, Thủ tướng Merkel nói: "Dĩ nhiên, chúng tôi đã thảo luận về việc Anh rời EU. Chúng tôi muốn nói rõ là chúng tôi mong một sự rời đi đồng thời với việc thiết lập một quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Anh và các nước thành viên EU".
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh dự kiến có hiệu lực vào ngày 1-11, một ngày sau khi Anh chính thức rời EU theo kế hoạch, sẽ không có cơ hội được thông qua tại Quốc hội nếu Brexit hủy hoại thỏa thuận hòa bình Ngày thứ Sáu tốt lành giữa Ireland và Bắc Ireland.
Trong một tuyên bố, bà Pelosi nói: "Dù Brexit diễn ra dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì tiến trình này không được phép làm hủy hoại Thỏa thuận hòa bình Ngày thứ Sáu tốt lành, trong đó có đường biên giới giữa CH Ireland và Bắc Ireland".
Bà Pelosi đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh một thỏa thuận thương mại rộng với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh, luôn được phe ủng hộ Brexit nhắc đến như một "phần thưởng" lớn của Anh khi rời khỏi EU và được coi là công cụ "bọc lót" cho London trong trường hợp chịu thiệt hại vì gián đoạn thương mại với các thành viên EU.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc đạt thỏa thuận thương mại diện rộng sẽ không thể dễ dàng khi hai quốc gia vẫn tồn tại những vấn đề gai góc liên quan tới các tiêu chuẩn nông nghiệp khác biệt hay việc nhiều chính trị gia Anh phản đối sự gia tăng vai trò của các công ty dược phẩm Mỹ trong Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh./.
(TTXVN/Vietnam+)