Truyền thông sở tại đưa tin, ngày 14/8, phe đối lập do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) lãnh đạo sẽ chất vấn Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha về việc ông này không hoàn thành lời tuyên thệ nhậm chức của mình trước Hạ viện.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trước đó, ngày 13/8, nghị sỹ Pheu Thai và là thành viên chủ chốt phe đối lập Cholnan Srikaewcho cho biết phe đối lập sẽ tái khởi động nỗ lực của mình nhằm yêu cầu Thủ tướng nước này phải giải thích sau khi lễ tuyên thệ nhậm chức của chính phủ mới bị trì hoãn vào tuần trước do Tướng Prayut đi công du ở miền Nam.
Ông Cholnan khẳng định phe đối lập đã cử đại diện trình đơn khiếu nại lên các cơ quan liên quan.
Theo ông Cholnan, kỳ họp ngày 14/8 của Hạ nghị viện Thái Lan cũng sẽ xem xét nội dung dự thảo của các quy định do Hạ viện ban hành và các công việc khác, bao gồm thiết lập các uỷ ban hỗn hợp.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/8, nhà hoạt động Srisuwan Janya đã kiến nghị Uỷ ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) điều tra Tướng Prayut và các bộ trưởng trong nội các với cáo buộc không hoàn thành lời tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ tuyên thệ của nội các tháng trước.
Ông Srisuwan đề nghị NACC chuyển vụ việc lên Tòa Hình sự phụ trách xét xử những người người giữ chức vụ chính trị thuộc Tòa án Hiến pháp.
Ông Srisuwan cáo buộc Tướng Prayut và các bộ trưởng trong nội các chính phủ đã vi phạm Điều 161 Hiến pháp Thái Lan. Điều đó bắt nguồn từ việc Thủ tướng Prayut đã bỏ qua câu tuyên thệ cuối cùng - một lời tuyên bố bảo vệ và tuân thủ Hiến pháp - trong lễ tuyên thệ nhậm chức của mình trước Nhà vua Thái Lan.
Nhà hoạt động trên cũng đặt ra câu hỏi liệu bản tuyên thệ không đầy đủ được đưa ra ngày 16/7 vừa qua có vi phạm bộ quy tắc đạo đức của Hiến pháp.
Với áp lực từ phe đối lập ngày càng gia tăng, việc "chèo lái" nội các liên minh lỏng lẻo gồm 19 đảng sẽ là một thử thách rất lớn đối với Tướng Prayut trong thời gian tới./.
(TTXVN/Vietnam+)