Văn kiện "Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" chứng tỏ các nhà lãnh đạo ASEAN muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới các cường quốc ngoài khu vực.
Văn kiện “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” chứng tỏ các nhà lãnh đạo ASEAN muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới các cường quốc ngoài khu vực.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: ASEAN Briefing) |
Ngày 28-8, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức thảo luận chủ đề: “Indonesia, ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Sự cần thiết của chiến lược và thiết lập định chế”. Tham gia sự kiện diễn ra tại thủ đô Jakarta có đại diện Đại sứ quán các nước tại Indonesia, giới chức, các học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị thuộc các viện nghiên cứu quốc tế và khu vực…
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc thảo luận, Tiến sỹ Rizal Sukma, Đại sứ Indonesia tại Vương quốc Anh, Ireland, thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế, đánh giá cao việc các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua văn kiện “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (AOPI) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok, Thái Lan. Việc thông qua văn kiện này chứng tỏ các nhà lãnh đạo ASEAN muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới các cường quốc ngoài khu vực với việc tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN.
Đánh giá quá trình hình thành và phát triển của ASEAN từ năm 1967 đến nay, ông Sukman cho rằng, ASEAN luôn đoàn kết, vững vàng trước những cạnh tranh quyết liệt của các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, khi thế giới bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, những thách thức chiến lược mà ASEAN phải đối mặt đã có nhiều thay đổi so với quá khứ. Những thách thức khác nhau đòi hỏi có những phản ứng khác nhau. ASEAN đang sống trong một thế giới nhiều thay đổi, nơi cái cũ đang bị dỡ bỏ và cái mới vẫn chưa xuất hiện; quan hệ quyền lực và cán cân quyền lực đang thay đổi. Một số chuyên gia, tổ chức bắt đầu lo lắng về hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, về tương lai của ASEAN, tương lai của toàn Đông Á; đặc biệt là vị trí của Indonesia trong trật tự khu vực mới.
Ngoài ra, Đại sứ Sukma cũng khẳng định, vai trò quyền lực của Đông Nam Á đang quay trở lại. AOPI xuất phát từ lợi ích của ASEAN trong định hình cấu trúc kinh tế và an ninh để giải quyết các thách thức xuất phát từ những thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. AOPI có thể đóng vài trò là nền tảng mà qua đó sự cạnh tranh giữa các cường quốc có thể được giảm thiểu và ngăn chặn xung đột. Ngoài ra, AOPI sẽ là nơi gặp gỡ toàn diện của các nước trong khu vực cho tầm nhìn cạnh tranh. AOPI hy vọng sẽ tiếp tục duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong kiến trúc phát triển ở khu vực Đông Nam Á và các khu vực lân cận; là cầu nối trung thực trong môi trường cạnh tranh lợi ích chiến lược.
[Phó Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông]
Indonesia là quốc gia nằm giữa hai đại dương chiến lược là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, do vậy, mọi vấn đề về chính trị, an ninh, kinh tế… của Indonesia trong tương lai đều có ảnh hưởng và phụ thuộc vào động lực của khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Indonesia cần khái niệm hóa và xây dựng lại không gian địa chính trị và kinh tế. Trước hết, Indonesia cần tiếp tục triển khai chiến lược Trục hàng hải toàn cầu một cách toàn diện. Bên cạnh đó, Indonesia cũng cần tiếp tục thúc đẩy thảo luận trong ASEAN về một chiến lược và chính sách chung trong định hướng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Với việc triển khai “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Indonesia và 9 quốc gia thành viên ASEAN còn lại cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để hợp tác phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, đặc biệt là an toàn hàng hải cũng như thể hiện vai trò của minh trong cấu trúc khu vực, với các cường quốc ngoài khu vực. Nếu không AOPI sẽ không mang lại hiệu quả trong định hướng cuối cùng cho ASEAN trong tương lai./.
Đình Ánh (TTXVN/Vietnam+)