Báo Đồng Nai điện tử
En

Peru ban bố tình trạng khẩn cấp do núi lửa hoạt động mạnh

03:07, 25/07/2019

Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp yêu cầu giới chức địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân sơ tán trong phạm vi bán kính 25km xung quanh khu vực núi lửa Ubinas.

Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp yêu cầu giới chức địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân sơ tán trong phạm vi bán kính 25km xung quanh khu vực núi lửa Ubinas.

Núi lửa Ubinas phun trào. (Ảnh: DW)
Núi lửa Ubinas phun trào. (Ảnh: DW)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 24-7, nhà chức trách Peru đã cảnh báo trong những ngày tới, núi lửa Ubinas sẽ tiếp tục có các vụ nổ và đợt phun trào khói tro bụi lên không trung, buộc chính quyền địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp tại 12 quận huyện.

Điều phối viên Đài Quan sát núi lửa thuộc Viện Địa chất, mỏ và luyện kim của Peru (Ingemmet) Marco Rivera cho biết các hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy, chỉ ít phút sau vụ nổ xảy ra hôm 22/7 vừa qua tại núi Ubinas, có nhiều khối đá kích cỡ khác nhau đã rơi xuống sườn núi.

Bên cạnh đó, nhiều đoạn nứt vỡ cũng xuất hiện trên núi. Tuy nhiên, hiện các chuyên gia vẫn chưa thể kiểm chứng điều này có phải do núi lửa hoạt động dữ dội gây ra hay không.

Trước tình hình trên, Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày kể từ hôm 20/7, yêu cầu giới chức địa phương áp dụng biện pháp khẩn cấp, huy động lực lượng hỗ trợ người dân sơ tán trong phạm vi bán kính 25km xung quanh khu vực núi lửa ở vùng Moquegua, cách thủ đô Lima 1.250km.

Núi lửa Ubinas cao 5.670m, nằm ở khu vực Moquegua, là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Peru. Ubinas được ghi nhận là hoạt động khá tích cực trong giai đoạn từ 2013-2016.

Trong 500 năm qua, ngọn núi này ghi nhận 26 đợt phun trào, trong đó vụ lớn nhất xảy ra vào năm 1667. Các cột khói tro bụi phun ra đạt tới độ cao 6km so với miệng núi lửa, ảnh hưởng tới hơn 9.250 người dân địa phương, làm hư hại mùa màng và ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, các cơn gió mạnh đưa những đám mây tro bụi và khí độc về phía những vùng lân cận như Puno, Tacna, thậm chí lan sang quốc gia láng giềng Bolivia./.

Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều