Ngày 1-7, Diễn đàn "Sự phát triển chế độ đại nghị" lần thứ hai đã khai mạc tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga với sự tham dự của gần 800 nghị sỹ, chuyên gia đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 1-7, Diễn đàn “Sự phát triển chế độ đại nghị” lần thứ hai đã khai mạc tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga với sự tham dự của gần 800 nghị sỹ, chuyên gia đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quang cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Sự phát triển chế độ đại nghị lần thứ hai. (Ảnh: Dương Trí/TTXVN) |
Phóng viên TTXVN tại Moskva đưa tin, ngày 1-7, Diễn đàn “Sự phát triển chế độ đại nghị” lần thứ hai đã khai mạc tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga với sự tham dự của gần 800 nghị sỹ, chuyên gia đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đoàn Việt Nam do ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn đầu tham dự Diễn đàn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn kéo dài đến ngày 3-7 này, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề thời sự an ninh và ổn định quốc tế, phát triển nền kinh tế số, chính sách thanh niên và sinh thái. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn thiết kế các nhóm chuyên đề và bàn tròn nhằm thảo luận vai trò của nghị sỹ trong việc bảo đảm an ninh quốc tế, các quyết định lập pháp để phát triển nền kinh tế số, cũng như chương trình nghị sự lập pháp về sinh thái và cuộc chiến chống tin giả và một số chủ đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nhấn mạnh: “Diễn đàn này mang lại cơ hội tự do trao đổi, bày tỏ quan điểm của mình, củng cố niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau trong đối thoại”.
Theo ông Volodin, thông qua tiếp xúc mang tính xây dựng, các nghị sỹ nâng cao hiệu quả phối hợp hành động về những vấn đề đòi hỏi có giải pháp chung như phát triển bền vững, an ninh quốc tế, bảo vệ sinh thái, chống đói nghèo và bất bình đẳng, đối phó với chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp…
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga kêu gọi nghị sỹ các nước chống lại những âm mưu làm suy yếu hệ thống luật pháp và các thể chế quốc tế, bảo vệ chủ quyền số, phát triển kinh tế số, cũng như hỗ trợ giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, kể cả các cuộc xung đột phức tạp nhất ở Trung Đông và Bắc Phi.
Được mời phát biểu tại diễn đàn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chia sẻ: “Tình hình thế giới hiện nay vẫn đang rất phức tạp, thậm chí một số nơi ngày càng trở nên căng thẳng, các cuộc xung đột cũ chưa được giải quyết lại xuất hiện các ổ căng thẳng mới. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp hành động theo kênh cơ quan lập pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoại giao nghị viện đóng góp quan trọng vào việc duy trì lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước trong việc tìm kiếm các giải pháp thỏa hiệp, cân bằng cho những vấn đề quốc tế hóc búa.”
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga là một thành viên độc lập, tích cực của cộng đồng thế giới, một trong những nước bảo vệ luật pháp quốc tế và sự ổn định toàn cầu. Nga thực thi chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, dựa trên những nguyên tắc cơ bản ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc; không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp và xung đột. Không chấp nhận những mưu toan thay đổi chế độ ở những nước không vừa ý vì thực thi chính sách độc lập, tổ chức và ủng hộ các cuộc đảo chính trái với Hiến pháp. Nga cũng kiên quyết phản đối bất cứ hình thức đe dọa và gây áp lực, kể cả các biện pháp trừng phạt đơn phương và chiến tranh thương mại.
Trình bày tham luận tại phiên thảo luận chuyên đề về kỹ thuật số, ông Phan Thanh Bìnhnhấn mạnh: “Cuộc cách mạng 4.0 và Cách mạng năng lượng đang làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của các ngành công nghiệp và năng lượng. Công nghệ kỹ thuật số, sự thâm nhập ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo đang thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng này. Dữ liệu số được thu thập từ các thiết bị giúp khách hàng tăng hiệu quả và năng suất, giúp cải thiện chất lượng, an toàn và giảm tác động tới môi trường.
Tăng trưởng bền vững chỉ có thể đạt được bằng cách áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và các ứng dụng sản xuất tiên tiến. Số hóa và Công nghiệp 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng giúp Việt Nam củng cố vị thế trong khu vực. Nhiều lĩnh vực ở Việt Nam từ y tế, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không…đang chuyển đổi mạnh mẽ để số hóa, đặc biệt với thời của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.
Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn trình bày một số tham luận nữa tại các phiên thảo luận chuyên đề và bàn tròn về nhiều chủ đề khác nhau./.
(TTXVN/Vietnam+)