Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới trong năm 2018 đã giảm song các nước lại đang hiện đại hóa kho vũ khí này của mình.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới trong năm 2018 đã giảm song các nước lại đang hiện đại hóa kho vũ khí này của mình.
Một loại rocket được phóng thử trong cuộc diễn tập của Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở miền Tây nước này. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới trong năm 2018 đã giảm song các nước lại đang hiện đại hóa kho vũ khí này của mình.
Đây là nội dung được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra trong báo cáo, công bố ngày 17/6.
Theo SIPRI, thời điểm đầu năm 2019, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có tổng cộng khoảng 13.865 vũ khí hạt nhân, ít hơn 600 vũ khí so với cùng kỳ năm 2018, song tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đang hiện đại hóa các vũ khí của mình.
Giám đốc Chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân thuộc SIPRI, một trong những tác giả của báo cáo, ông Shannon Kile, khẳng định thế giới đang chứng kiến sự giảm dần về số lượng vũ khí hạt nhân song lại hiện đại hơn.
SIPRI cho biết nguyên nhân khiến lượng vũ khí hạt nhân giảm dần trong những năm gần đây chủ yếu do Mỹ và Nga - hai nước có tổng lượng vũ khí hạt nhân chiếm tới hơn 90% của thế giới, thực hiện các cam kết trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), ký kết năm 2010, cũng như loại bỏ các đầu đạn cũ từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, ông Kile bày tỏ quan ngại về việc Hiệp ước START sẽ hết hạn vào năm 2021, song cho đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về việc gia hạn hiệp ước.
New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011.
Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai.
Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm.
Bên cạnh đó, Giám đốc Chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân Kile cũng đề cập đến những xu hướng đáng lo ngại, trong đó có việc phát triển vũ khí hạt nhân tại cả Ấn Độ và Pakistan cũng như nguy cơ xung đột thông thường leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ngoài ra cũng phải kể đến xu hướng đang ngày càng phổ biến là vai trò gia tăng của vũ khí hạt nhân khi việc thay đổi các học thuyết chiến lược (đặc biệt ở Mỹ) đã tạo cho vũ khí hạt nhân vai trò lớn hơn trong cả chiến lược quân sự lẫn đối thoại an ninh quốc gia.
Gần đây, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi các cường quốc hạt nhân nghiêm túc trong vấn đề giải trừ quân bị, cũng như cảnh báo nguy cơ nỗ lực kiểm soát vũ khí của cộng đồng quốc tế có thể "đổ xuống sông, xuống biển," sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) được Iran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015.
Chưa kể, nỗ lực giải trừ quân bị toàn cầu còn bị ảnh hưởng khi tháng Hai vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, khiến Moskva cũng tuyên bố có thể ngừng việc tham gia hiệp ước này./.
(TTXVN/Vietnam+)