Ngành công nghiệp ôtô Anh cảnh báo kịch bản Brexit "không thỏa thuận" có nguy cơ phải trả giá bằng hàng tỷ bảng tiền thuế và sự gián đoạn đối với các hoạt động giao thương và đi lại của người dân.
Ngành công nghiệp ôtô Anh cảnh báo kịch bản Brexit "không thỏa thuận" có nguy cơ phải trả giá bằng hàng tỷ bảng tiền thuế và sự gián đoạn đối với các hoạt động giao thương và đi lại của người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Ngành công nghiệp chế tạo ôtô Vương quốc Anh ngày 25-6 đã cảnh báo về nguy cơ lĩnh vực này có thể thiệt hại tới 70 triệu bảng Anh (89 triệu USD)/ngày do tình trạng chậm trễ trong hoạt động sản xuất, nếu Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ song phương hậu Brexit.
Ngành công nghiệp ôtô Anh kêu gọi Thủ tướng tương lai của nước này cần đạt được một thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit và cảnh báo kịch bản Brexit "không thỏa thuận" có nguy cơ phải trả giá bằng hàng tỷ bảng tiền thuế và sự gián đoạn đối với các hoạt động giao thương và đi lại của người dân ở khu vực biên giới.
Hai ứng viên cho vị trí Thủ tướng Anh thay thế bà Theresa May là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt đều cho biết đang chuẩn bị cho khả năng Brexit không thỏa thuận dù đây không phải là điều cả hai ông mong muốn.
Ông Mike Hawes, Giám đốc điều hành (CEO) của Hiệp hội các nhà sản xuất và giao dịch ô tô (SMMT), cho biết tổ chức này đã nhận thấy những hậu quả của tình trạng thiếu chắc chắn và mối lo ngại về kịch bản Brexit "không thỏa thuận."
Việc không đạt được thỏa thuận với EU, thị trường xuất khẩu ôtô lớn nhất của Anh, sẽ khiến các nhà sản xuất xe tại Anh chịu mức thuế lên tới 10% đối với các mẫu xe hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong hoạt động thông quan tại biên giới cũng sẽ gây ra tình trạng ùn tắc tại các cảng và đường bộ, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất.
Theo ước tính của SMMT, trong kịch bản xấu nhất, Brexit "không thỏa thuận" có thể khiến doanh nghiệp tổn thất 50.000 bảng/phút, khi khâu thông quan bị chậm trễ.
Với sự góp sức của các doanh nghiệp nước ngoài kể từ thập niên 1980, ngành công nghiệp ôtô của Anh từng là một câu chuyện thành công.
Tuy vậy, bắt đầu từ năm 2017, doanh số, hoạt động đầu tư và sản xuất của ngành công nghiệp ôtô nước Anh đều sụt giảm, trong bối cảnh nhu cầu đi xuống đối với các ôtô sử dụng động cơ diesel và tình trạng bất ổn liên quan tới Brexit.
Từ đầu năm 2019 tới nay, hãng chế tạo ôtô lớn nhất nước Anh là Jaguar Land Rover, đã thông báo cắt giảm 4.500 việc làm, trong khi Honda (Nhật Bản) và Ford (Mỹ) cho biết sẽ đóng cửa nhà máy của hai doanh nghiệp này tại Anh./.
Trà My (TTXVN/Vietnam+)