Báo Đồng Nai điện tử
En

Tây Ban Nha cho phép 5 cựu thủ lĩnh Catalonia dự phiên họp Quốc hội

03:05, 15/05/2019

Các cựu thủ lĩnh hiện đang bị giam giữ và trong quá trình xét xử tại Tòa án Tối cao Tây Ban Nha này được phép tham dự phiên họp khai mạc Quốc hội Tây Ban Nha diễn ra vào ngày 21-5 tới.

Các cựu thủ lĩnh hiện đang bị giam giữ và trong quá trình xét xử tại Tòa án Tối cao Tây Ban Nha này được phép tham dự phiên họp khai mạc Quốc hội Tây Ban Nha diễn ra vào ngày 21-5 tới.

Một phiên họp của Quốc hội Tây Ban Nha. (Nguồn: evangelicalfocus.com)
Một phiên họp của Quốc hội Tây Ban Nha. (Nguồn: evangelicalfocus.com)

Ngày 14-5, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ra phán quyết cho phép 5 cựu thủ lĩnh ly khai vùng Catalonia, được bầu trong cuộc bầu cử trước thời hạn hồi tháng trước, tham dự phiên họp khai mạc Quốc hội Tây Ban Nha diễn ra vào ngày 21-5 tới.

Các cựu thủ lĩnh này hiện đang bị giam giữ và trong quá trình xét xử tại Tòa án Tối cao Tây Ban Nha.

Tòa án cũng ra phán quyết bác đề nghị của luật sư trả tự do cho 5 người này, với lý do tòa án tiếp tục xét xử vai trò của họ trong kế hoạch ly khai vùng Catalonia.

Trong cuộc bầu cử ngày 28-4 vừa qua, 5 chính khách vùng Catalonia đã được bầu vào Quốc hội Tây Ban Nha.

Trúng cử vào Hạ viện có cựu Phó thủ hiến vùng của đảng ly khai ERC, Oriol Junqueras; thủ lĩnh dân sự Jordi Sanchez; người phát ngôn của chính quyền Catalonia vào thời điểm vùng này thất bại trong việc tách khỏi Tây Ban Nha vào tháng 10-2017, Jordi Turull; Một thành viên của chính quyền Catalonia vào thời điểm trên Josep Rull.

Trong khi đó, ông Raul Romeva phụ trách các vấn đề đối ngoại của cựu chính quyền Catalonia được bầu vào Thượng viện Tây Ban Nha.

Theo kế hoạch, trong phiên khai mạc quốc hội sắp tới, toàn bộ các nghị sỹ phải cam kết tuân thủ hiến pháp Tây Ban Nha.

Hồi tháng 10-2017, cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont và chính quyền vùng đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ này bất chấp lệnh cấm từ tòa án.

Sau đó, vùng Catalonia đơn phương tuyên bố tách ra độc lập với Tây Ban Nha.

Những động thái này đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ, buộc chính quyền trung ương Madrid phải can thiệp, lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp, giải tán chính quyền vùng và kêu gọi bầu cử sớm.

Ông Puigdemont và một số quan chức phải rời khỏi Tây Ban Nha trong khi những người ở lại đang bị xét xử tại Madrid.

Theo kết quả cuộc bầu cử trước thời hạn tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) của Thủ tướng đương nhiệm Pedro Sanchez đã giành thắng lợi, song không có đủ đa số để thành lập chính phủ.

Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết ông sẽ sớm đàm phán với các chính đảng khác nhằm thành lập một liên minh cầm quyền.

Giới phân tích nhận định kịch bản nhiều khả năng nhất là ông Sanchez sẽ thúc đẩy liên minh với cả Unidas Podemos và các đảng khu vực khác có quan điểm ly khai thuộc các vùng Basque, Valencia, Quần đảo Canary, Catalonia, Navarra và Cantabria để đảm bảo đủ mức đa số tối thiểu 176 ghế trong Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều