Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 công bố ngày 27/5 cho thấy đảng Brexit, mới thành lập cách đây ba tháng, đã giành được 31,6% số phiếu bầu, tương đương 29 ghế tại EP.
Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 công bố ngày 27/5 cho thấy đảng Brexit, mới thành lập cách đây ba tháng, đã giành được 31,6% số phiếu bầu, tương đương 29 ghế tại EP.
Ảnh minh họa. (Nguồn: graphics.wsj.com) |
Giới phân tích nhận định việc đảng Brexit, một đảng mới thành lập có lập trường ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), dẫn đầu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) 2019, đã làm gia tăng khả năng nước Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận nào.
Cụ thể, kết quả bầu cử EP 2019 công bố ngày 27-5 cho thấy đảng Brexit, mới thành lập cách đây ba tháng, đã giành được 31,6% số phiếu bầu, tương đương 29 ghế tại EP.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do thân châu Âu giành được 20,3% số phiếu, Công đảng đối lập chính có được 14,1% số phiếu, đảng Xanh 12,1% và đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May chỉ được 9,1% số phiếu ủng hộ. Đây là kết quả tồi tệ nhất của đảng Bảo thủ tại một cuộc bầu cử quốc gia ở Anh trong gần 200 năm qua.
Cuộc bầu cử nói trên đáng lẽ sẽ không diễn ra vì theo kế hoạch trước đó nước Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 vừa qua. Tuy nhiên, Quốc hội nước này đã không thể đạt được đồng thuận về cách thức rời khỏi “mái nhà chung," làm suy yếu dần quyền lực của Thủ tướng Theresa May và buộc bà hồi tuần trước phải công bố thời điểm từ bỏ vị trí này.
Nhiều ứng cử viên cho vị trí của bà May đã nhấn mạnh nước Anh sẽ phải rời EU trước thời hạn mới nhất là ngày 31-10, dù có đạt được thỏa thuận với Brussels hay không.
Tại Sunderland, nhiều cử tri đã lên tiếng ủng hộ Brexit không thỏa thuận sau kết quả bỏ phiếu nói trên.
Đảng Bảo thủ đang chia rẽ của bà May đã chuẩn bị đón nhận kết quả tồi tệ và dường như còn không muốn vận động cho cuộc bầu cử. Tuy nhiên, giờ đây đảng này phải quyết định sẽ làm gì với thỏa thuận Brexit mà bà May đã đạt được với Brussels hồi năm ngoái.
Quốc hội Anh được dự đoán sẽ bác bỏ thỏa thuận này lần thứ tư trước khi Thủ tướng May từ chức. Dù có nhiều lời kêu gọi một Brexit không thỏa thuận, các nghị sỹ quốc hội đã nhiều lần bỏ phiếu phản đối phương án này do lo ngại về tác động kinh tế từ việc quay lưng với đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh./.
(TTXVN/Vietnam+)