Sáng 26-4, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" (BRF) lần thứ 2 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Sáng 26-4, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ 2 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Sau hội đàm, hai Thủ tướng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước - Ảnh TTXVN |
Tham dự Diễn đàn có 37 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các nước gồm: Australia, Azerbaijan, Belarus, Brunei, Campuchia, Chile, Cyprus, Cộng hòa Séc, Djibouti, Ai Cập, Ethiopia, Hy Lạp, Hungary, Indonesia, Italy, Kazakhstan, Kenya, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Mozambique, Myanmar, Nepal, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Bồ Đào Nha, Nga, Serbia, Singapore, Thụy Sĩ, Tajikistan, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Uzbekistan, Việt Nam; cùng khoảng 5 ngàn đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.
Diễn đàn lần này với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn” gồm 3 phần: Lễ khai mạc, Hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo và Đối thoại cấp cao (dành cho các Bộ trưởng, doanh nghiệp và giới học giả). Diễn đàn được đánh giá là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm nay.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bên tham gia BRF tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng cao góp phần cải thiện đời sống dân sinh.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đề cập vào ngày 7-9-2013. Khi hoàn thành, sáng kiến này sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại lớn bao trùm khu vực rộng lớn dân số 4,4 tỷ người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 21 ngàn tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2,5 ngàn tỷ USD trong vòng một thập kỷ cũng như liên kết với các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến, BRF bế mạc vào ngày 27-4 và sẽ ra Thông cáo chung của Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo.
* Trong thời gian tham dự khai mạc BRF lần thứ 2, ngày 26-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; đánh giá cao việc Trung Quốc đã tích cực phối hợp giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam theo hướng thương mại cân bằng, bền vững, mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa và măng cụt của Việt Nam; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, nhất là thịt lợn và tổ yến, tạo thuận lợi cho thương mại gạo giữa hai nước.
Thủ tướng hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đề nghị Trung Quốc phối hợp xử lý một số vướng mắc về thủ tục hoàn công thanh quyết toán, đội vốn, chậm tiến độ thi công, hiệu quả thấp trong các dự án hợp tác giữa hai bên; cấp giờ hạ cất cánh phù hợp cho các hãng hàng không Việt Nam. Hai bên cũng cần thúc đẩy ký mới Hiệp định đường sắt, kết nối đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia hiệu quả vào tuyến vận tải Trùng Khánh - Singapore; tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, hợp tác giám sát an toàn hạt nhân; cùng với đó là tiếp tục phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện biên giới trên đất liền Việt - Trung; tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất; đạt tiến triển về phân định ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào năm 2020; xử lý vấn đề nghề cá và ngư dân trên tinh thần nhân đạo; sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc và gia hạn Thỏa thuận về đường dây nóng về nghề cá trên biển; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam; kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với Việt Nam; bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất; khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ngay sau cuộc hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến lễ trao 3 văn bản hợp tác gồm: Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc; Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giữa Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc giai đoạn 2019-2021 cùng một số văn bản hợp tác khác trên lĩnh vực nông nghiệp.
* Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, hội kiến với Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và gặp gỡ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, có cuộc gặp với Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản Toshihiro Nikai.
Theo TTXVN