Báo Đồng Nai điện tử
En

Vấn đề Brexit: EC đưa ra 2 lựa chọn về khoảng thời gian trì hoãn

10:03, 20/03/2019

EC kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên EU thống nhất một trong hai lựa chọn, gồm hoãn Brexit tới ngày 23-5 hoặc là ít nhất tới cuối năm 2019.

EC kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên EU thống nhất một trong hai lựa chọn, gồm hoãn Brexit tới ngày 23-5 hoặc là ít nhất tới cuối năm 2019.

EC ra điều kiện cho Anh về việc tạm hoãn rời EU. (Nguồn: Politico.eu)
EC ra điều kiện cho Anh về việc tạm hoãn rời EU. (Nguồn: Politico.eu)

Ngày 20-3, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo việc trì hoãn ngày Anh rời Liên minh châu Âu (EU) tới ngày 30-6 sẽ gây ra những "nguy cơ pháp lý và chính trị nghiêm trọng" đồng thời đưa ra hai lựa chọn ưu tiên.

Trong một thông báo vắn tắt nội bộ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, ủy ban trên kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên EU thống nhất một trong hai lựa chọn, gồm hoãn Brexit tới ngày 23-5 (trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu) hoặc là ít nhất tới cuối năm 2019.

EC cho rằng đây là những lựa chọn tốt nhất để đảm bảo chức năng và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy điều hành EU.

Nếu các quốc gia thống nhất cho phép trì hoãn Brexit trong thời gian dài thì phải đảm bảo Anh cam kết bỏ phiếu trắng trong các phiên tranh luận của EU về những vấn đề quan trọng như ngân sách hay việc bổ nhiệm các vị trí trong EC.

Yêu cầu này là nhằm ngăn chặn London dùng quyền phủ quyết như một "quân cờ" để gia tăng sức ép, buộc EU nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tiếp theo về Brexit.

Ngoài ra, việc trì hoãn sẽ không được sử dụng để tái đàm phán thỏa thuận Brexit mà hai bên đã đạt được hồi cuối năm 2018 mà EU luôn khẳng định là "lựa chọn tốt nhất có thể."

Thông báo được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đề nghị lui thời điểm Anh chính thức rời EU từ ngày 29-3 tới ngày 30-6-2019.

[Thủ tướng Anh đề nghị EU hoãn tiến trình ly hôn đến cuối tháng 6]

Chính phủ Pháp cũng cho rằng Thủ tướng Anh cần phải giải thích rõ ràng khoảng thời gian trì hoãn mong muốn và mục đích trì hoãn cùng với những đảm bảo đi kèm.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux khẳng định việc trì hoãn Brexit không tự động hay mặc nhiên diễn ra.

Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó tại Anh, phát biểu trước Hạ viện, Thủ tướng May bày tỏ phản đối gia hạn Brexit trong thời gian dài đồng thời khẳng định đã đến lúc cuộc tranh luận quốc gia nên được chuyển sang các chủ đề khác.

Bà May cho rằng việc gia hạn Brexit trong thời gian dài có thể dẫn tới khả năng Hạ viện sẽ chỉ mất thêm nhiều thời gian tranh cãi về quan hệ với EU thay vì thảo luận về những vấn đề mà các cử tri Anh thực sự quan tâm khi bỏ phiếu trưng cầu ý dân năm 2016.

Theo bà, việc trì hoãn Brexit sau ngày 30-6 buộc Anh phải tham gia các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu từ ngày 23-26/5 tới là điều "không thể chấp nhận."

Bên cạnh đó, bà cho rằng việc trì hoãn Brexit bằng cách kéo dài thời gian đàm phán không thể giúp loại bỏ hoàn toàn khả năng Anh "ra đi" mà không có thỏa thuận và khẳng định kịch bản không thỏa thuận vẫn tồn tại cho tới cuối giai đoạn trì hoãn.

Theo quy định, 2 năm sau ngày chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, tức là vào ngày 29/3 tới, Anh sẽ rời khỏi EU dù có hoặc không có thỏa thuận với EU.

Thủ tướng May cho rằng London cần thêm một khoảng thời gian ngắn để thực hiện thủ tục pháp luật cần thiết tại Hạ viện nếu như các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận rút khỏi EU của bà. Đề nghị này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày (21-22/3).

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố ông không kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh EU tới có thể đưa ra được quyết định liên quan vấn đề Brexit.

Ông nhấn mạnh phía EU sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào khi mà quan điểm của Anh vẫn chưa rõ ràng.

Việc bà May đề nghị trì hoãn Brexit vài ngày trước hạn chót 29-3 cũng lập tức vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ cầm quyền.

Nghị sỹ Peter Bone đã cảnh báo Thủ tướng May sẽ "phản bội" cử tri Anh nếu tiếp tục theo đuổi yêu cầu trì hoãn Brexit đồng thời kêu gọi bà thay đổi chiến thuật.

Nghị sỹ này thậm chí còn gia tăng sức ép với bà May khi cho rằng đây là thời điểm mà lịch sử nước nhà sẽ phán xét tư cách thủ tướng của bà.

Các báo ủng hộ Brexit cũng gọi quãng thời gian 1.000 ngày từ khi chính phủ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon tới ngày chính phủ đề nghị hoãn Brexit là quãng thời gian "dang dở, phản bội và là nỗi hổ thẹn quốc gia".

Đây cũng là lời lẽ của Lãnh đạo Công đảng đối lập đưa ra khi bà May tham dự phiên trả lời chất vấn hàng tuần trước Hạ viện Anh.

Đề nghị hoãn Brexit khiến gia tăng những bất ổn xung quanh tiến trình này đã khiến đồng bảng Anh lập tức giảm giá.

Tính đến 13 giờ GMT (20 giờ, giờ Việt Nam), đồng bảng trượt giá gần 1% xuống mức 1 bảng Anh tương đương 1,3149 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin xem nhiều