Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện điểm tương đồng về góc tấn trong 2 vụ rơi máy bay Boeing

09:03, 19/03/2019

Các nhà điều tra về vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines đã phát hiện ra điểm tương đồng về "góc tấn" trong dữ liệu tại buồng lái với dữ liệu từ vụ rơi máy bay của hãng Lion Air.

Các nhà điều tra về vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines đã phát hiện ra điểm tương đồng về "góc tấn" trong dữ liệu tại buồng lái với dữ liệu từ vụ rơi máy bay của hãng Lion Air.

Máy bay Boeing 737 Max 8 hạ cánh tại sân bay quốc gia Reagan ở Washington D.C., Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Máy bay Boeing 737 Max 8 hạ cánh tại sân bay quốc gia Reagan ở Washington D.C., Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các nguồn tin thân cận ngày 18-3 cho biết các nhà điều tra về vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã phát hiện ra điểm tương đồng về "góc tấn" trong dữ liệu tại buồng lái với dữ liệu từ vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air vào tháng 10-2018.

Nguồn tin khẳng định biểu đồ của hai dữ liệu rất tương đồng. Góc tấn này là thông số quan trọng của chuyến bay, và cần phải duy trì độ chính xác để giữ máy bay không bị chúc xuống hay chòng chành.

Phản hồi của máy tính đối với dữ liệu sai về góc tấn hiện là trọng tâm của cuộc điều tra thảm họa máy bay của Lion Air.

Trước đó, các chuyên gia đã phát hiện những điểm giống giữa vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines ngày 10-3 vừa qua làm toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng, với vụ một chiếc Boeing 737 MAX của hãng Lion Air rơi cách đó năm tháng, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 189 người trên máy bay.

Cả hai máy bay này đều bị rơi trong vòng vài phút sau khi khi cất cánh và phi công thông báo máy bay gặp trục trặc.

Các nhà điều tra vụ máy bay của hãng Lion Air rơi xuống biển hồi tháng 10-2018 tập trung phân tích nguyên nhân có thể do lỗi hệ thống đặc tính truyền động tăng cường (MCAS) vốn được Boeing đưa vào mẫu 737 MAX để ngăn chặn khả năng máy bay mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm nhưng mũi máy bay lại hướng lên quá cao, gây mất lực nâng.

Các chuyên gia bắt đầu nghi ngờ quy trình cấp phép của FAA sau khi phát hiện ra rằng hệ thống này đã nhận không ít phản ánh có vấn đề nghiêm trọng từ các phi công Mỹ.

MCAS là hệ thống cảnh báo an toàn tự động được lắp đặt trong mẫu 737 MAX 8 giúp máy bay tránh rơi vào trạng thái chết động cơ hay mất lực nâng vì mẫu máy bay này nặng hơn, có nhiều động cơ tiết kiệm nhiên liệu làm thay đổi chất lượng khí động lực của máy bay, có thể khiến mũi máy bay bị hướng lên cao trong một số điều kiện nhất định khi bay ở chế độ người điều khiển.

Các cảm biến góc tấn trên máy bay sẽ cung cấp dữ liệu có thể kích hoạt MCAS tự động điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống nếu nhận thấy có nguy cơ máy bay rơi vào trạng thái chết động cơ.

Theo các dữ liệu chuyến bay được ghi lại, trước khi lao xuống biển hồi tháng 10-2018, các phi công lái máy bay số hiệu 610 của Lion Air đã phải cố gắng kiểm soát máy bay vì lỗi cảm biến góc tấn đã khiến hệ thống MCAS được kích hoạt và liên tục tự động điều khiển mũi máy bay chúi xuống khi cất cánh.

Sau vụ tai nạn này, Boeing đã gửi thông báo tới các hãng hàng không có sử dụng 737 MAX 8 trong đội bay, trong đó có hướng dẫn các phi công cách kiểm soát hệ thống MCAS và cho biết đang cập nhật phần mềm của hệ thống.

Tuy nhiên, Boeing vẫn đang chịu nhiều chỉ trích vì đã không kịp thời thông tin cho các phi công lái 737 về chức năng của MCAS hay giới thiệu các khóa huấn luyện sử dụng hệ thống này, dẫn tới vụ tai nạn tiếp theo của Ethiopian Airlines.

Phi công của máy bay Ethiopian Airlines được cho là đã gặp khó khăn tương tự như những đồng nghiệp trên của chuyến bay Lion Air.

Giới chức Mỹ hiện vẫn chưa xác nhận tính hợp lệ của các dữ liệu thu được trong các hộp đen của máy bay Ethiopian Airlines gặp nạn, đồng thời cho biết hiện quá trình điều tra vẫn ở giai đoạn đầu./.

 (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều