Với 410 phiếu thuận và 192 phiếu chống, các nhà lập pháp của EU đã ủng hộ việc chấm dứt quy định điều chỉnh giờ theo mùa hai lần trong một năm - vào mùa Xuân và mùa Thu.
Với 410 phiếu thuận và 192 phiếu chống, các nhà lập pháp của EU đã ủng hộ việc chấm dứt quy định điều chỉnh giờ theo mùa hai lần trong một năm - vào mùa Xuân và mùa Thu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Guardian) |
Liên minh châu Âu sẽ chính thức khởi động các cuộc tranh luận về việc chấm dứt cơ chế điều chỉnh giờ theo mùa - giờ mùa Đông và giờ mùa Hè.
Với 410 phiếu thuận và 192 phiếu chống, ngày 26/3, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ việc chấm dứt quy định điều chỉnh giờ theo mùa hai lần trong một năm - vào mùa Xuân và mùa Thu.
Kết quả này tạo cơ sở cho các cuộc thảo luận giữa các nước EU để thống nhất một đạo luật cuối cùng để các nước đều có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Theo quy định lâu đời này, hằng năm, các nước EU chỉnh đồng hồ sớm hơn 1 một giờ vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và chỉnh lùi 1 giờ vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 10 hằng năm.
Về lý do cần bỏ cơ chế điều chỉnh giờ theo mùa, các nhà lập pháp châu Âu cho rằng công nghệ hiện đại và lối sống hoàn toàn khác trong kỷ nguyên số đã thay đổi tất cả và việc điều chỉnh giờ theo mùa không còn phù hợp, thậm chí còn gây lãng phí cũng như không giúp tiết kiệm năng lượng.
Theo kế hoạch, những thay đổi sẽ được thực hiện vào năm 2021 và các nước thành viên EU sẽ quyết định lựa chọn hoặc giờ mùa Đông hoặc giờ mùa Hè. Chính phủ Anh đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì cơ chế điều chỉnh giờ hiện nay.
Kết quả cuộc khảo sát hồi tháng 7 vừa qua với 4,6 triệu công dân tại EU cho thấy có tới 84% số người được hỏi bày tỏ mong muốn áp dụng giờ mùa Hè trong cả năm. Các nước khác tại châu Âu cũng muốn giờ mùa Hè là Phần Lan, Ba Lan, Litva và Hungary.
Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy tồn tại mối liên hệ giữa việc thay đổi giờ với các bệnh về tim mạch hoặc hệ miễn dịch do việc điều chỉnh giờ tác động tới nhịp đồng hồ sinh học của con người.
Việc điều chỉnh giờ theo mùa cũng là chủ đề tranh luận tại Mỹ, nơi lần đầu tiên áp dụng quy định này từ thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất nhằm tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có Hawaiii và Arizona là 2 bang tại nước này không thực hiện quy định trên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai./.
(TTXVN/Vietnam+)