Nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội, truyền thông Nhật Bản đã đưa tin đậm nét về vai trò và vị thế của Việt Nam cũng như mối quan hệ Việt Nam-Mỹ và Việt Nam-Triều Tiên.
Nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội, truyền thông Nhật Bản đã đưa tin đậm nét về vai trò và vị thế của Việt Nam cũng như mối quan hệ Việt Nam-Mỹ và Việt Nam-Triều Tiên.
Đoàn xe đưa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump đi qua Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Nhà hát Lớn. (Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bài viết với tựa đề “Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuẩn bị ký thỏa thuận chung tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội,” báo Nikkei Asian Review và báo Japan Today đều trích dẫn nguyên văn bình luận của Tổng thống Mỹ trên Twitter rằng: “Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như một số ít các quốc gia trên Trái Đất. Triều Tiên sẽ giống như vậy và rất nhanh thôi, nếu nước này phi hạt nhân hóa."
Trong chuyên mục đặc biệt, báo Sankei cho rằng với lập trường "trung lập," việc Việt Nam đảm nhận vị trí chủ nhà, cung cấp địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh là nhằm thể hiện mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới.
[Tổng thống Trump ca ngợi đối thoại Mỹ-Triều là 'thành công to lớn']
Trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ tăng cường quan hệ với các nước láng giềng mà còn thúc đẩy quan hệ với nhiều nước phát triển, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh đất nước.
Đề cập đến lòng hiếu khách của Việt Nam nhân dịp tổ chức sự kiện trọng đại này, báo Sankei đã đăng bài viết có tiêu đề “Việt Nam, quốc gia chủ nhà sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, phát hành bộ tem kỷ niệm sự kiện,” cho biết mẫu tem được thiết kế với hình ảnh quốc kỳ Việt Nam và hai bàn tay của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên bắt chặt vào nhau trên nền hàng tre xanh và Khuê Văn Các.
Báo Sankei cho biết giá mỗi chiếc tem là 4.000 đồng (khoảng 19 yen Nhật Bản), dự kiến được bán đến tháng 12/2020.
Về quan hệ Việt Nam-Mỹ, báo Sankei đưa tin nhân dịp Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, hai hãng hàng không lớn của Việt Nam là VietJet và Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 110 máy bay Boeing của Mỹ. Ông Trump đã dành nhiều đánh giá tích cực cho đối với Việt Nam sau khi chứng kiến thỏa thuận này.
Hãng NHK cũng đăng bài viết đề cập việc hai doanh nghiệp Việt Nam mua máy bay Boeing của Mỹ với số lượng lớn. Trong bài báo có tiêu đề “Tổng thống Trump tự hào thành quả - Việt Nam mua máy bay với số lượng lớn,” NHK cho biết Tổng thống Trump đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên và đã phát biểu về việc doanh nghiệp Việt Nam ký kết mua máy bay và máy móc của Mỹ.
Tổng thống Trump bày tỏ “trong chuyến đi Việt Nam lần này, Mỹ đã gặt hái được thành quả lớn về mặt thương mại trước tiên.”
Theo NHK, Tổng thống Trump đã đánh giá cao việc Việt Nam hỗ trợ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, đồng thời bày tỏ cảm ơn việc hai hãng không lớn của Việt Nam ký thỏa thuận mua sản phẩm của Mỹ với số lượng lớn.
Trong khi đó, báo Nikkei cũng đăng bài viết đánh giá hiệu quả truyền thông từ việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai. Theo báo trên, sự kiện này đã thu hút hơn 3.000 nhà báo quốc tế, và đây là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá du lịch ra toàn thế giới.
Đề cập đến quan hệ Việt Nam-Triều Tiên, báo Nikkei cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nối tiếp bước chân ông nội mình, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, đến Việt Nam. Nikkei cho biết cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đến Việt Nam vào các năm 1958 và 1964.
Theo báo Nikkei, truyền thông Việt Nam đã điểm lại những dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Triều Tiên và đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi thăm một trường mẫu giáo ở Hà Nội được Triều Tiên trợ giúp trong thời kỳ chiến tranh./.
Nguyễn Tuyến (TTXVN/Vietnam+)