Báo Đồng Nai điện tử
En

4 nước Nam châu Phi kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi

09:02, 12/02/2019

Ngày 11-2, Namibia đã gia nhập nhóm 3 quốc gia láng giềng bao gồm Nam Phi, Zimbabwe và Botswana trong việc lên tiếng kêu gọi việc dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi nhằm giải phóng số lượng ngà voi khổng lồ bị tồn kho tại các nước này trong hơn 5 năm qua.

Ngày 11-2, Namibia đã gia nhập nhóm 3 quốc gia láng giềng bao gồm Nam Phi, Zimbabwe và Botswana trong việc lên tiếng kêu gọi việc dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi nhằm giải phóng số lượng ngà voi khổng lồ bị tồn kho tại các nước này trong hơn 5 năm qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn nguồn từ Bộ Môi trường và Du lịch Namibia cho biết các quốc gia trên đang soạn thảo một kiến nghị chung về việc dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi và sau đó sẽ trình lên Hội nghị quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp dự kiến diễn ra tại Sri Lanka trong vài tháng tới.

Theo kiến nghị này, Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) hiện đang hoạt động với vai trò là một rào cản chứ không phải là một động lực cho quá trình bảo tồn loài voi. Ngoài ra, các thành viên tham gia Hội nghị CITES dường như chỉ chăm chăm vào việc tìm cách hạ thấp số lượng cá thể voi hiện đang sống ở trong khu vực trong khi không đánh giá đúng mức nhu cầu bảo tồn của loài động vật này.

Trong kiến nghị, 4 quốc gia hiện đang nơi sinh sống của hơn 60% số lượng voi toàn châu Phi này cũng nhấn mạnh việc họ đã thiết lập thành công mô hình bảo tồn bền vững cho loài voi và đảm bảo việc buôn bán ngà voi sẽ mang lại nguồn tài chính chính đáng cho cư dân bản địa sống trong khu bảo tồn, cũng như cung cấp nguồn tài chính để duy trì các chương trình bảo tồn voi.

Bên cạnh đó, kiến nghị cũng chỉ rõ rằng các nước thành viên sẽ không tiếp tục chấp nhận việc các nỗ lực bảo tồn loài voi của họ không được các tổ chức quốc tế đánh giá đúng mức, và kêu gọi các tổ chức này cần phải nhìn nhận một thực tế rằng chính người dân bản địa hay những quốc gia bản địa mới có khả năng bảo vệ tốt nhất môi trường tự nhiên của chính họ.

Trước đó, hồi tháng 9-2018, tại một công viên quốc gia của Botswana – quốc gia thành viên biên soạn kiến nghị trên, các nhà bảo vệ động vật hoang dã thuộc "Tổ chức Voi không biên giới" đã tìm thấy xác của 90 con voi rừng bị giết hại để lấy ngà chỉ trong vòng vài tuần và đây được đánh giá là vụ thảm sát voi với số lượng lớn nhất từ trước tới nay tại châu Phi.

Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên về bảo vệ voi rừng này cho biết trong một chuyến bay thị sát, các chuyên gia của tổ chức này đã tìm thấy xác của 87 cá thể voi rừng trưởng thành nằm rải rác trong khu vực công viên quốc gia Okavango Delta của Botswana với phần ngà đã bị cắt trộm. Đặc biệt, vụ thảm sát xảy ra sau khi Chính phủ Botswana quyết định giải tán lực lượng chống săn trộm động vật hoang dã hồi tháng 5-2018.

Với đàn voi khoảng 130.000 con, Botswana là quốc gia có số lượng voi lớn nhất trên thế giới và được mệnh danh là "thánh địa voi" cuối cùng tại châu Phi trong bối cảnh nạn săn voi lấy ngà vẫn đang hoành hành tại lục địa này.

Theo "Tổ chức Voi không biên giới," từ năm 2007-2014, số lượng voi rừng tại châu Phi đã giảm 1/3 xuống còn khoảng 144.000 con. Trong khi đó, khoảng 80% số voi này sống tại các công viên quốc gia được luật pháp bảo vệ./.

 (TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều