Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại hội đồng LHQ khóa 73: Eritrea kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt

10:09, 30/09/2018

Ngày 29-9, Eritrea đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với nước này, do Eritrea đã ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử với quốc gia láng giềng Ethiopia ngày 9-7.

Ngày 29-9, Eritrea đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với nước này, do Eritrea đã ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử với quốc gia láng giềng Ethiopia ngày 9-7.
Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong bài phát biểu tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Eritrea Osman Saleh Mohammed cho biết các biện pháp trừng phạt (của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) áp đặt đối với Eritrea trong 9 năm qua đã gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho nước này và những khó khăn không cần thiết đối với người dân. 

Ngoại trưởng Mohammed kêu gọi ngay lập tức bãi bỏ các biện pháp trừng phạt này, và đề nghị "bù đắp những thiệt hại mà người dân Eritrea phải gánh chịu."

Ethiopia cũng đã yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Eritrea sau khi hai nước ký Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị cũng như nhất trí bình thường hóa quan hệ. 

Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa làm như vậy do các nước thành viên thường trực của hội đồng chưa thống nhất về vấn đề này.

Năm 2009, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Eritrea, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí, vì nước này tham gia gây bất ổn cho các nước láng giềng. 

Quan hệ giữa Eritrea và Ethiopia đã rơi vào căng thẳng kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1998-2000 khiến 80.000 người thiệt mạng. 

Tuy hai bên đã ký kết hiệp định hòa bình ngày 12/12/2000 nhưng khu vực biên giới chung giữa hai nước vẫn căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang.

Ngày 9/7 vừa qua, Ethiopia và Eritrea đã ký "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị", đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua. 

Kết quả này đạt được một phần nhờ chủ trương hòa hảo của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed sau khi lên nhậm chức hồi tháng Tư vừa qua với đề xuất rút quân khỏi khu vực tranh chấp và tổ chức đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng song phương, mở ra triển vọng bình thường hóa quan hệ./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều