Báo Đồng Nai điện tử
En

Ban hành Sắc lệnh Hành pháp trừng phạt đối tượng can thiệp bầu cử Mỹ

09:09, 13/09/2018

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 12-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Sắc lệnh Hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài vì can thiệp hoặc trợ giúp các hành động can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 12-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Sắc lệnh Hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài vì can thiệp hoặc trợ giúp các hành động can thiệp vào bầu cử Mỹ. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sắc lệnh này trao quyền cho các cơ quan tình báo của Mỹ trực tiếp điều tra về những nghi vấn liên quan hành động can thiệp bầu cử của các thực thể nước ngoài. 

Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng với các chính phủ nước ngoài nếu các cơ quan chức năng Mỹ xác định họ tiến hành hoặc hậu thuẫn cho các hành động gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ.

Thời gian qua, Tổng thống Trump bị chỉ trích đã không đủ cứng rắn nhằm vào Nga sau khi cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Moskva đã gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Sắc lệnh này được coi là nỗ lực của chính quyền Trump trong việc đối phó với các hoạt động can thiệp từ nước ngoài trong bối cảnh kỳ bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ đang tới gần. 

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats cho rằng: “Đây là một tiến trình rõ ràng, đảm bảo chúng ta đang làm những điều trong khả năng để ngăn chặn mọi sự can thiệp vào bầu cử Mỹ”.

Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét một số dự luật với mục tiêu trừng phạt những quốc gia đã can thiệp các cuộc bầu cử tại Mỹ. 

Thượng nghị sỹ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và Thượng nghị sỹ Chris Van Hollen (đảng Dân chủ) đã đồng giới thiệu Dự luật Bảo vệ bầu cử khỏi các mối đe dọa bằng cách thiết lập giới hạn đỏ (gọi tắt là dự luật “ngăn chặn”- DETER) vào đầu năm nay. 

Dự luật này nêu đích danh Nga và một số quốc gia khác là đối tượng chịu trừng phạt do can thiệp bầu cử Mỹ. 

[Cựu phụ tá chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump bị kết án tù]

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 12-9, ông Rubio và ông Van Hollen cho rằng sắc lệnh trên đã thừa nhận mối đe dọa về các hành vi can thiệp bầu cử của nước ngoài, song nó không có đủ các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề này. 

Hai nghị sỹ này nêu rõ: “Các biện pháp trừng phạt có tính bắt buộc đối với bất cứ ai tấn công hệ thống bầu cử Mỹ là cách ngăn chặn hiệu quả nhất và nội dung cốt lõi của dự luật lưỡng đảng DETER phản ánh điều đó. 

Chúng ta phải chắc chắn nước Nga của ông Vladimir Putin hoặc bất kỳ nhân tố nước ngoài nào khác hiểu rằng chúng ta sẽ phản ứng quyết liệt và áp đặt trừng phạt đối với những người can thiệp vào nền dân chủ của Mỹ.

Chỉ còn 55 ngày nữa là tới bầu cử giữa nhiệm kỳ, chúng tôi thúc giục các đồng nghiệp gửi tín hiệu rõ ràng và thống nhất tới những đối thủ của Mỹ bằng cách nhanh chóng thông qua dự luật này.”

Theo tờ The Hill, Nhà Trắng đã làm việc với Văn phòng của Thượng nghị sỹ Rubio từ trước khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh trên. 

Một số quan chức trong chính quyền cho biết dự luật DETER đã có ảnh hưởng lên ngôn ngữ được xây dựng trong Sắc lệnh Hành pháp. 

Trong khi đó, Văn phòng Thượng nghị sỹ Van Hollen cũng cho biết họ đang có các cuộc thảo luận với Nhà Trắng liên quan sắc lệnh này.

Trong diễn biến liên quan, ngày 13/9, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ có kế hoạch xem xét một dự luật khác cũng có tên gọi “DETER” do Thượng nghị sỹ Lindsey Gramham (đảng Cộng hòa) và Thượng nghị sỹ Dick Durbin (đảng Dân chủ) giới thiệu. 

Dự luật này yêu cầu cấm nhập cảnh đối với các cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ. 

Đầu tháng 9/2018, ông Graham cùng với Thượng nghị sỹ Bob Menendez (đảng Dân chủ) cũng giới thiệu một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính trên nhiều lĩnh vực đối với Nga./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều