Theo Philstar, trong báo cáo thường niên gửi lên Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng chiến lược "cưỡng ép ở cường độ thấp" nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép đường băng và cho máy bay hạ cánh. (Nguồn: CSIS) |
Theo báo cáo này, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Hải cảnh Trung Quốc và lực lượng dân quân biển thuộc Các lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung Quốc đã tạo nên một lực lượng trên biển lớn nhất tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Báo cáo nêu rõ, trong năm 2017, Trung Quốc đã mở rộng hợp tác kinh tế với Philippines để đổi lấy việc tiến hành những bước đi nhằm gác sang một bên những tranh chấp lãnh thổ và trên biển.
Một ví dụ khác cho chiến lược "cưỡng ép ở cường độ thấp" của Trung Quốc là việc Bắc Kinh sử dụng các tàu của hải quân, hải cảnh và dân quân biển để tuần tra quanh đảo Pag-asa (đảo Thị Tứ) và cắm cờ trên đá Sandy Cay (đá Hoài Ân) vào tháng 8/2017.
Những hành động này có thể là phản ứng của Bắc Kinh đối với các kế hoạch của Manila nhằm nâng cấp đường băng trên Thị Tứ, hòn đảo lớn nhất trong 9 thực thể của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lầu Năm Góc cũng cảnh bảo rằng Trung Quốc có thể sớm bổ sung yếu tố hạt nhân trên những tiền đồn của nước này tại Trường Sa (gồm đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi).
Cảnh báo này được đưa ra sau những thông tin cho rằng Bắc Kinh đã lắp đặt các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và thiết bị phá sóng điện tử trên 3 địa điểm trên./.
(VIETNAM+)