Theo Đài BBC, 132 nghị sỹ của 5 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nghị sỹ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) vừa ra tuyên bố chung kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra "hoạt động giết người ở bang Rakhine" của quân đội Myanmar cách đây một năm.
Theo Đài BBC, 132 nghị sỹ của 5 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nghị sỹ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) vừa ra tuyên bố chung kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra “hoạt động giết người ở bang Rakhine” của quân đội Myanmar cách đây một năm.
Người Rohingya tại trại tị nạn ở biên giới Myanmar-Bangladesh, gần thị trấn Maungsaw, bang Rakhine ngày 12-11-2017. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Mặc dù chỉ có nghị sỹ của 5 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Phillipines, Đông Timor và Singapore đứng ra kêu gọi, đây được xem là sự lên án thống nhất trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar.
Ông Charles Santiago, chính trị gia Malaysia và là thành viên của APHR được báo chí khu vực trích lời nói: “Tôi cùng với 131 nghị sỹ được bầu chọn kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay lập tức đưa vụ việc ở Myanamar ra ICC. Những người ở Myanmar chịu trách nhiệm về tội ác khủng khiếp này phải bị quy trách nhiệm. Họ không thể được tự do tái phạm trong tương lai.”
Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án các hành vi bạo lực của quân đội Myanmar và cho rằng có "thanh lọc sắc tộc" ở đây.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi Myanmar là một nước thành viên, đã bị cáo buộc là làm ngơ trước cuộc khủng hoảng Rohingya mà không có bất kỳ hành động can thiệp nào.
ICC được thành lập theo Quy chế Rome vào năm 2002, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan với hơn 120 quốc gia đã phê chuẩn quy chế này.
ICC chỉ thực hiện thẩm quyền xét xử khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và xét xử những người phạm tội nghiêm trọng như tội ác chống lại loài người, diệt chủng, các tội ác chiến tranh./.
(VIETNAM+)