Theo Đặc phái viên TTXVN, vào lúc 12 giờ 30 chiều 25-8 theo giờ địa phương (17 giờ 30 cùng ngày theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã tới thành phố Luxor, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Arab Ai Cập từ ngày 25-29/8 theo lời mời của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.
Theo Đặc phái viên TTXVN, vào lúc 12 giờ 30 chiều 25-8 theo giờ địa phương (17 giờ 30 cùng ngày theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã tới thành phố Luxor, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Arab Ai Cập từ ngày 25-29/8 theo lời mời của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.
Các quan chức chính quyền tỉnh Luxor đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay quốc tế Luxor. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Ra đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay quốc tế Luxor có các quan chức chính quyền tỉnh Luxor, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long và Phu nhân, cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam tới Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đáp lại chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tới Việt Nam hồi tháng 9-2017, mà còn tái khẳng định những cam kết mà hai bên đã ký trong năm 2017, cũng như thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương về mọi mặt, như chính trị, kinh tế - thương mại và đầu tư, văn hóa và giáo dục...
Ai Cập là một trong những nước Arab đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Từ năm 1958, Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập. Ngày 1-9-1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô Cairo. Năm 1964, Ai Cập đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 11-2013.
Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt khoảng 350 triệu USD, chủ yếu Việt Nam xuất khẩu với các mặt hàng chính gồm hải sản, linh kiện phụ tùng ôtô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà phê, cao su và hàng tiêu dùng…
Hàng năm, Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Arab. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, Ai Cập cam kết hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo từ 10-20 cán bộ về tiêu chuẩn Halal cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo.
Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề cùng quan tâm tại Liên hợp quốc./.
Theo TTXVN