Tại Hội nghị thượng đỉnh vùng Caspian lần thứ 5, diễn ra ngày 12-8 tại thành phố Aktau (Kazakhstan), các nhà lãnh đạo của 5 nước vùng Biển Caspian (gồm Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan) đã ký công ước mang tính bước ngoặt về quy chế Biển Caspian nhằm làm giảm căng thẳng khu vực cũng như mở đường cho các dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Lãnh đạo 5 nước vùng Biển Caspian tại lễ ký công ước về quy chế Biển Caspian ở Aktau, Kazakhstan ngày 12/8. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Sau khi Liên Xô tan rã, từ năm 1996, 5 nước trên đã tiến hành đàm phán về quy chế mới cho vùng biển này.
Quy chế mới quy định phân chia vùng đáy biển thành các khu vực, còn vùng nước chia thành các vùng nội địa và vùng khu vực, vùng đánh cá và vùng nước chung.
Quy chế cũng định ra ranh giới của vùng trời trên Biển Caspian.
Ngoài ra, văn kiện cũng cấm các lực lượng không quân không thuộc 5 nước trên hiện diện tại vùng Biển Caspian.
Ngay sau khi công ước được ký kết, toàn bộ 5 nhà lãnh đạo khu vực đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời coi đây là một sự kiện lịch sử.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công ước, đồng thời hối thúc các nước trong vùng thúc đẩy hợp tác quân sự.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani dù coi đây là "một văn kiện lớn", theo đó, đưa Biển Caspian chỉ thuộc về các nước trong vùng, song thừa nhận công ước chưa thể giải quyết toàn bộ bất đồng giữa các nước trong khu vực.
Theo ông, việc phân định đáy biển - vốn là nguyên nhân gây bất đồng nhất, sẽ đòi hỏi các bên tiếp tục bàn thảo và đưa ra được các thỏa thuận riêng rẽ.
Đây là lần thứ 5 hội nghị thượng đỉnh 5 nước vùng Biển Caspian diễn ra kể từ năm 2002. Sau khi Liên Xô tan rã, đã có hơn 50 cuộc gặp cấp thấp hơn giữa các nước trong vùng./.
(TTXVN/VIETNAM+)