Báo Đồng Nai điện tử
En

Iran tái khởi động nhà máy sản xuất nguyên liệu làm giàu urani

03:06, 28/06/2018

Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) ngày 27-6 cho biết nước này đã khởi động lại một nhà máy hạt nhân vốn dừng hoạt động trong 9 năm qua.

Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) ngày 27-6 cho biết nước này đã khởi động lại một nhà máy hạt nhân vốn dừng hoạt động trong 9 năm qua.

Cơ sở hạt nhân Fordow. (Nguồn: Reuters/TTXVN)
Cơ sở hạt nhân Fordow. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tehran chuẩn bị tăng cường năng lực làm giàu urani sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với các cường quốc P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức) khiến thỏa thuận này có nguy cơ sụp đổ. 

Trong thông báo đăng trên trang web riêng, AEOI nhấn mạnh theo lệnh của lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei và đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, một nhà máy sản xuất UF6 (urani hexafluoride), nguyên liệu để cung cấp cho các máy ly tâm làm giàu urani, đã được khởi động lại và một thùng quặng urani đã được chuyển đến. 

Nhà máy sản xuất UF6, vốn ngưng hoạt động từ năm 2009 do thiếu quặng urani, là một phần của cơ sở chuyển đổi urani Isfahan. 

AEOI nêu rõ Iran đã nhập khẩu lượng lớn quặng urani kể từ sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và cũng tự sản xuất một lượng nhỏ loại nguyên liệu này. 

Trước khi làm giàu urani, quặng urani được chuyển sang dạng khí có tên gọi là UF6. 

Theo thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và nhóm P5+1, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân.

Thỏa thuận quy định Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm làm giàu urani, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%. 

Ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran. 

Washington chưa công bố khung thời gian chính thức cho việc rút khỏi JCPOA. Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán Mỹ sẽ triển khai quyết định này trong vài tháng tới. 

Các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận lịch sử này, coi đây là một biện pháp cốt yếu nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. 

Đầu tháng 6, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã ra lệnh cho AEOI khởi động các bước chuẩn bị để tăng cường năng lực làm giàu urani nếu những nước châu Âu thất bại trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều