Liên minh châu Âu (EU) ngày 14-6 đã đạt thỏa thuận tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức năng lượng tiêu thụ của khối lên 32% vào năm 2030, so với tỷ lệ 27% được đưa ra trước đó.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 14-6 đã đạt thỏa thuận tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức năng lượng tiêu thụ của khối lên 32% vào năm 2030, so với tỷ lệ 27% được đưa ra trước đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn: THX-TTXVN) |
Theo thỏa thuận trên, đến năm 2030, ít nhất 14% nhiên liệu sử dụng cho hoạt động vận tải phải là nguồn tái tạo. Thỏa thuận cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sử dụng nhiên liệu sinh học và khí đốt sinh học tiên tiến sẽ đạt ít nhất 1% vào năm 2025 và ít nhất 3,5% vào năm 2030. Thỏa thuận này cần được Nghị viện châu Âu và từng nước thành viên EU thông qua.
Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu và năng lượng của EU, Mighuel Arias Canete (Mi-ghên A-ri-át Ca-nê-tê) nhấn mạnh thỏa thuận này là một chiến thắng cho các nỗ lực của EU để "mở khóa" tiềm năng chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ủy viên Canete cũng bày tỏ tin tưởng thỏa thuận sẽ giúp EU đạt các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, tạo thêm việc làm, khiến các nhà đầu tư tin tưởng, giảm chi phí sử dụng điện năng và giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng.
Tổ chức môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) nhận định với thỏa thuận trên, sẽ có thêm hàng triệu tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên các mái nhà ở châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy vậy, Greenpeace cho rằng mục tiêu sử dụng 32% năng lượng tái tạo là quá thấp và điều đó cho phép các công ty năng lượng vẫn sẽ dựa chủ yếu vào các nguồn năng lượng hóa thạch, cùng nhiều giải pháp không thân thiện với môi trường khác. Theo tổ chức này, thỏa thuận trên chưa đủ để EU có thể chống biến đổi khí hậu hiệu quả.
Theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, EU cam kết cắt giảm 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990, đồng thời tỉ lệ năng lượng tái tạo chiếm 27% tổng năng lượng sử dụng.-.
Theo TTXVN