Ngày 14/4, Ai Cập đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang quân sự mới nhất tại Syria, cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự an toàn của người dân Syria và đe dọa những nhận thức chung đạt được về các vùng giảm căng thẳng ở quốc gia Trung Đông này.
Người dân Mỹ đã tập trung tuần hành bên ngoài Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C., phản đối cuộc tấn công do Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp tiến hành nhằm vào Syria. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh cộng động quốc tế cần phải thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria và phải giúp đảm bảo tiếp cận nhân đạo tới những nạn nhân đang bị mắc kẹt và bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang.
[Nga: Mỹ tấn công Syria nhằm giúp lực lượng cực đoan khôi phục hàng ngũ]
Trong khi đó, cùng ngày 14/4, Chính phủ Peru đã bày tỏ lo ngại về cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Syria, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh một cuộc xung đột leo thang có thể đe dọa hòa bình thế giới.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Peru nhấn mạnh bất kỳ biện pháp đáp trả nào đối với việc sử dụng vũ khí hóa học cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ ủng hộ việc cử một phái đoàn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Syria để điều tra vụ việc một cách minh bạch.
Peru cũng cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phải thiết lập một cơ chế giúp xác định và truy cứu trách nhiệm những bên sử dụng vũ khí hóa học.
Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chính phủ Peru thông báo đang cùng với các nước tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, cũng như bảo vệ dân thường trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Tại Bolivia, Tổng thống Evo Morales đã lên án mạnh mẽ hành động tấn công quân sự của Mỹ, Anh và Pháp, kêu gọi Washington chấm dứt việc sát hại những người vô tội ở Syria.
Về phần mình, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes cũng bày tỏ lo ngại việc leo thang các hành động quân sự tại Syria, đồng thời khẳng định Brazil luôn bảo vệ một giải pháp thương lượng đối với cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Ông Nunes cũng hy vọng phái đoàn của OPCW sẽ sớm có những kết luận điều tra về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Trong khi đó, ngày 14/4, trong một tuyên bố về các cuộc không kích nhằm vào Syria do Mỹ, Pháp và Anh tiến hành, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bày tỏ "ủng hộ hoàn toàn đối với hành động này nhằm làm suy yếu khả năng vũ khí hóa học của chính quyền Syria và ngăn chặn tái diễn các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học."
Sau một hội nghị các đại sứ của 29 nước thành viên NATO tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố: "Các đồng minh kêu gọi tất cả những người ủng hộ chính quyền Syria, nhất là Nga, chịu trách nhiệm đảm bảo rằng chính quyền Syria tham gia một cách xây dựng vào tiến trình Geneva do Liên hợp quốc dẫn đầu."
Theo công bố từ Bộ Quốc phòng Nga, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã phóng hơn 100 tên lửa hành trình vào lãnh thổ Syria.
Cũng theo công bố này phòng không Syria đã bắn chặn thành công 71 tên lửa hành trình.
Đợt không kích đầu tiên của liên quân vào Syria bắt đầu vào rạng sáng ngày 14/4 (giờ Việt Nam), kéo dài trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Mỹ sử dụng gấp đôi số vũ khí trong cuộc không kích lần này so với năm 2017.
Ông Mattis khẳng định "hiện tại đây là vụ tấn công một lần" nhưng không loại trừ khả năng sẽ có thêm các cuộc tấn công nữa./.
(TTXVN/VIETNAM+)