Hội thảo với chủ đề "Biển Đông và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương" vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Khoa học Ba Lan ở thủ đô Warsaw.
Hội thảo với chủ đề “Biển Đông và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương” vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Khoa học Ba Lan ở thủ đô Warsaw.
Các diễn giả chính tại Hội thảo. (Ảnh: Việt Ba/Vietnam+) |
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan-châu Á (CSPA) và Trường Đại học Xã hội nhân văn Colegium Civitas phối hợp tổ chức.
Tham dự chương trình có các đại diện chính giới, ngoại giao đoàn Ba Lan và cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Các đại biểu đã nghe tham luận của các diễn giả là những chính trị gia và nhà nghiên cứu uy tín của Ba Lan như giáo sư-tiến sỹ Tadeusz Iwiński, Chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan-Việt Nam, chuyên gia về chính trị quốc tế Đại học Warmia Mazury; giáo sư-tiến sỹ Małgorzata Pietrasiak, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường Đại học tổng hợp Łódź; ông Paweł Behrendt, chuyên gia nghiên cứu về quân sự của CSPA; và ông Jakub Królczykn, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Đại học tổng hợp dam Mickiewicz Poznań.
Tại Hội thảo, các học giả và khách mời đã thảo luận về những tranh chấp trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là tình hình liên quan quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian qua.
Các chuyên gia đánh giá rằng trong 5 năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động quân sự hóa ồ ạt và làm thay đổi hoàn toàn nguyên trạng các khu vực chiếm đóng ở Biển Đông. Các động thái của Trung Quốc cho thấy nước này có thể sẽ tiếp tục tăng cường ảnh hưởng trên biển Đông - tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới - theo đó từng bước gia tăng khả năng cạnh tranh vị thế cường quốc số một thế giới của Mỹ.
Về lập trường của Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan liên quan tranh chấp Biển Đông, các chuyên gia cho rằng EU luôn khẳng định quan điểm hạn chế xung đột và tôn trọng luật pháp quốc tế, phản đối mọi hành động xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông.
Giáo sư Pietrasiak nhấn mạnh các quốc gia liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay bác bỏ các “bằng chứng lịch sử” mà Trung Quốc đưa ra.
Tổng thống và Chính phủ Ba Lan cũng luôn nhấn mạnh khía cạnh pháp lý và tuyên bố rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, không chấp nhận việc các cường quốc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực với các nước nhỏ hơn.
Đây là lần thứ hai hội thảo khoa học về Biển Đông được tổ chức tại Cung Văn hóa và Khoa học Ba Lan. Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan-châu Á, một trong hai đơn vị tổ chức, là một trong những trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Ba Lan./.
(TTXVN/VIETNAM+)