Ngày 24/2, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này "vô cùng quan ngại" trước kế hoạch mở Đại sứ quán tại Israel ở Jerusalem vào tháng 5 tới.
Ngày 24/2, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này "vô cùng quan ngại" trước kế hoạch mở Đại sứ quán tại Israel ở Jerusalem vào tháng 5 tới.
Người biểu tình Palestine ném đá vào lực lượng an ninh Israel, phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại thành phố Hebron, Khu Bờ Tây ngày 8/12/2017. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Trong khi đó, tại Palestine, Phó Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Elias Zananiri nêu rõ với quyết định trên, Mỹ đã không còn đóng vai trò thực tiễn nào trong tiến trình hòa bình. Ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, tuyên bố mọi hành động đơn phương không hỗ trợ hòa bình và không phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ cản trở các nỗ lực đạt được thỏa thuận trong khu vực và tạo ra môi trường tiêu cực.
Đảng Nhân dân Palestine (PPP) gọi động thái của Mỹ là "một sự khiêu khích đối với người dân Palestine, thế giới Arab và Hồi giáo cũng như tất cả những người ủng hộ tự do trên thế giới." PPP cũng bác tư cách đỡ đầu thỏa thuận hòa bình Trung Đông của Mỹ.
Trước đó cùng ngày, một quan chức Mỹ cho biết nước này có kế hoạch mở Đại sứ quán tại Israel ở Jerusalem vào tháng 5 tới. Bộ trưởng Tình báo Israel, ông Israel Katz đã lập tức hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Độc lập của Israel.
Quy chế Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai./.
(TTXVN/VIETNAM+)