Nhật Bản và Mỹ ngày 17/8 cam kết tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên, đồng thời đảm bảo tăng cường mối quan hệ đồng minh nhằm đối phó hiệu quả hơn với mối đe dọa ngày càng tăng do các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nhật Bản và Mỹ ngày 17/8 cam kết tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên, đồng thời đảm bảo tăng cường mối quan hệ đồng minh nhằm đối phó hiệu quả hơn với mối đe dọa ngày càng tăng do các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nhật Bản và Mỹ bắt đầu các cuộc thảo luận an ninh cấp cao tại thủ đô Washington. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong tuyên bố sau cuộc họp, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "thực hiện toàn diện và triệt để" các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này thay đổi con đường của mình.
Tuyên bố cho hay: "Các bộ trưởng cam kết tăng cường năng lực của liên minh nhằm ngăn chặn và đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên."
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục gây sức ép lên Triều Tiên, hợp tác với các nước khác, nhằm buộc Bình Nhưỡng phải có những hành động cụ thể để chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên "một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược."
Trong cuộc họp báo chung sau các cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên và cung cấp 500 triệu USD nhằm giúp củng cố an ninh hàng hải tại Đông Á.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố Mỹ sẽ triển khai các hành động cụ thể và ngay lập tức nhằm bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu tên lửa đó được phóng về phía bất cứ nước đồng minh nào của Washington.
Tuy nhiên, cùng ngày 17/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bác bỏ khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, cho biết Mỹ đã nhất trí rằng sẽ không tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào đối với Triều Tiên nếu không có sự chấp thuận của Seoul.
Đây là cuộc hội đàm "2+2" đầu tiên giữa Mỹ và Nhật Bản kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 11/2016 và cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nước theo cơ chế này kể từ tháng 4/2015.
Cả Tokyo và Washington trước đó đều tìm cách thúc đẩy vòng thảo luận "2+2" trong tháng Năm vừa qua, song kế hoạch này chỉ được thông qua sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Italy hồi tháng Năm vừa qua./.
(TTXVN/VIETNAM+)