Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỹ khẳng định có chung mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

03:07, 19/07/2017

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/7 khẳng định Mỹ và Hàn Quốc có chung mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, trong bối cảnh có dư luận cho rằng hai nước đồng minh bất đồng về đề xuất đàm phán liên Triều của Seoul.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/7 khẳng định Mỹ và Hàn Quốc có chung mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, trong bối cảnh có dư luận cho rằng hai nước đồng minh bất đồng về đề xuất đàm phán liên Triều của Seoul. 
Bãi thử hạt nhân ngầm Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: 38 North/TTXVN)
Bãi thử hạt nhân ngầm Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: 38 North/TTXVN)
Trước đó, ngày 14/7, Hàn Quốc đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên để thảo luận cách giảm căng thẳng ở biên giới hai miền, đồng thời đề nghị tổ chức cuộc họp Hội Chữ thập Đỏ hai miền Triều Tiên vào ngày 1/8 tới để nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán kể từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). 

Trong một phát biểu ngày 17/7, thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer cho rằng các điều kiện hiện nay "còn xa" mới đủ để mở lại đối thoại liên Triều. 

Đáp lại phát biểu này, phía Hàn Quốc cho biết đã tham vấn Mỹ và các nước khác trước khi đưa ra đề xuất.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/7, đề cập vấn đề trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết "không thể xác nhận có các cuộc trao đổi ngoại giao nào về vấn đề này hay không," song nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc "có chung mục tiêu, đó là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên."

Phản ứng về đề xuất trên của Hàn Quốc, Nhật Bản nhấn mạnh ưu tiên hiện tại là cần phải tăng cường sức ép lên Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt, song Tokyo cho rằng kế hoạch của Seoul không mâu thuẫn với chính sách này. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in​ chủ trương nối lại đối thoại với Triều Tiên song song với các lệnh trừng phạt. Nếu diễn ra, cuộc đối thoại quân sự liên Triều sắp tới sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên kể từ tháng 12/2015. Hiện Bình Nhưỡng chưa hồi đáp về đề nghị này./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều