Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên những ngày này đang "căng như dây đàn" sau khi Mỹ và Triều Tiên liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào nhau.
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên những ngày này đang “căng như dây đàn” sau khi Mỹ và Triều Tiên liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào nhau.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp khẩn tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên, trong đó ông ra lệnh các lực lượng rocket chiến lược sẵn sàng tấn công vào các mục tiêu Mỹ và Hàn Quốc bất kỳ lúc nào. (Tư liệu do KCNA phát ngày 29/3/2013. Nguồn: EPA/TTXVN) |
Từ đầu tuần, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã “nóng” hơn bao giờ hết với những phát ngôn mang tính hiếu chiến của Tổng thống Donald Trump và cảnh báo đáp trả của phía Triều Tiên về “ngọn lửa thịnh nộ” và “chiến dịch tấn công phủ đầu” hay “kế hoạch tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng tên lửa."
Những đòn tâm lý đe dọa lẫn nhau này được đưa ra sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tháng Bảy vừa qua, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực hoàn thiện kho vũ khí chiến lược của nước này và đặt ra đe dọa lớn đối với Mỹ vì lần đầu tiên đưa toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn.
Dù hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào ICBM hay không, nhưng rõ ràng “cơn ác mộng” chiến tranh hạt nhân đang phủ bóng lên nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Liệu những diễn biến trên có khiến Mỹ phải thay đổi chiến lược đối phó với Triều Tiên hay không và cộng đồng quốc tế có thể làm gì để hạ nhiệt “thùng thuốc súng” đang trực nổ tung này?
Lệnh trừng phạt mới nhất, do Mỹ khởi xướng và được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua sau 2 vụ thử ICBM của Triều Tiên, được cho là sẽ giáng đòn nặng nề nhất vào nền kinh tế nước này, dự báo cắt giảm 1/3 hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên. Song song với việc gây áp lực, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn để ngỏ cánh cửa nối lại đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, dường như Bình Nhưỡng không quan tâm đến "cuộc chơi" do Mỹ dẫn dắt.
Quyết tâm của Triều Tiên rất lớn. Cho dù Bình Nhưỡng phải chịu khó khăn kinh tế và bị cô lập thêm về ngoại giao, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn khăng khăng không chấp nhận thương lượng về kho vũ khí đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên, được cho là đã lên tới 20 quả bom hạt nhân cùng số tên lửa đạn đạo cần thiết để mang những quả bom đó.
Trong tình thế hiện nay, có thể hiểu lượng vũ khí này được coi là “sự đảm bảo” cho sự sống còn của chính quyền Bình Nhưỡng. Đó còn là một bảo đảm cho nền độc lập của đất nước giữa sự bủa vây của những cường quốc cả khu vực và thế giới.
Chính bởi vậy, Bình Nhưỡng dường như không thay đổi chiến lược dù liên tiếp chịu các lệnh cấm vận cả đơn phương và đa phương. Kể từ khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, Triều Tiên đã liên tục tiến hành 5 vụ thử hạt nhân khác và hàng chục vụ phóng tên lửa đạn đạo, với kết quả thử nghiệm lần sau càng tiến bộ hơn trước.
Không có dấu hiệu nào cho thấy sức ép kinh tế mới nhất của Liên hợp quốc sẽ thành công hơn các nỗ lực trước đây, những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất vẫn có thể không ngăn chặn được tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cuộc “chạy đua” tỷ lệ thuận giữa các lệnh trừng phạt của quốc tế và các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên dường như không có hồi kết, đặt bán đảo Triều Tiên lúc nào cũng cận kề miệng hố chiến tranh.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, đây sẽ thực sự là một thảm họa không của riêng ai. Với Triều Tiên, đây chắc chắn sẽ là lựa chọn tồi tệ nhất.
Xét về tương quan lực lượng, Triều Tiên - một quốc gia nghèo nhỏ bé với khoảng chục đầu đạn hạt nhân - khó mà “vượt mặt” Mỹ - cường quốc hạt nhân với kho vũ khí hàng nghìn đầu đạn sẵn sàng bắn trúng mọi mục tiêu ở bất cứ đâu trên thế giới.
Đối với Hàn Quốc, đó sẽ là sự tàn phá thủ đô Seoul, thành phố nằm trong tầm bắn của các loại pháo thông thường của Triều Tiên.
Đối với Mỹ là nguy cơ xảy ra một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào một trong những nơi đồn trú của Mỹ tại Đông Á, hoặc thâm chí là một thành phố trên lãnh thổ Mỹ.
(Nguồn: RT) |
Ngoài ra, không thể không kể đến những nguy hiểm của một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, nước láng giềng và cũng được coi là đồng minh của Triều Tiên. Các tác động về kinh tế cũng sẽ ở mức không tưởng nếu xảy ra một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới.
Bởi vậy, bất chấp những phát ngôn mang tính hiếu chiến từ phía Mỹ và Triều Tiên, giới phân tích nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên hay nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện thực hóa đe dọa tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ.
Xét ở một góc độ khác, khả năng tiến hành chiến tranh thực tế trên bán đảo Triều Tiên, ngay cạnh biên giới Trung Quốc và Nga, có lẽ chỉ là "võ mồm" của Washington. Lập luận này càng có cơ sở khi ông Trump vào Nhà Trắng để khôi phục lại nước Mỹ chứ không phải để đẩy Mỹ vào một cuộc chiến có thể gây hậu quả thảm khốc đối với toàn thế giới.
Để kiềm chế nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh cần áp dụng chính sách gây sức ép, nhưng không nên để dẫn tới hiểu lầm thành một lời tuyên chiến. Vấn đề lúc này cần một tìm ra “cánh cửa hẹp” để thoát khỏi tình hình căng thẳng cực độ hiện nay và giữ Bán đảo Triều Tiên ổn định trước khi tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trước mắt, điều quan trọng là làm sao tránh để mọi chuyện có thể rơi vào tình huống "già néo đứt dây."
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. (Nguồn: WJLA) |
Có lẽ lối thoát hợp lý nhất, cũng là thành tố rất quan trọng được nêu trong nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc, là nối lại đàm phán 6 bên nhằm tìm ra các biện pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng con đường hòa bình và tránh leo thang căng thẳng. Nhưng đưa cái gì lên bàn đàm phán cũng là vấn đề khi Triều Tiên nhất quyết không thương lượng về chương trình hạt nhân của mình.
Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đề nghị Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, mà chỉ có thể thương lượng để Bình Nhưỡng phải ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí mới.
Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được một gói nhượng bộ chính trị và viện trợ kinh tế từ Mỹ và các bên liên quan. Nếu kết hợp biện pháp thỏa hiệp trên với “chính sách Ánh Dương” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm cách khôi phục, sẽ tạo thành một “phép cộng” có thể đem lại kết quả mà các bên chấp nhận được./.
(TTXVN/VIETNAM+)