Ngày 2/7, Anh tuyên bố sẽ rút khỏi Công ước đánh cá London đã có hiệu lực 50 năm vốn cho phép một số nước bên ngoài đánh bắt cá gần khu vực bờ biển của nước này.
Ngày 2/7, Anh tuyên bố sẽ rút khỏi Công ước đánh cá London đã có hiệu lực 50 năm vốn cho phép một số nước bên ngoài đánh bắt cá gần khu vực bờ biển của nước này.
Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove tới cuộc họp nội các ở London ngày 12/6. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Đây là một trong những cam kết chính của vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU).
Dự kiến ngày 3/7, Anh sẽ kích hoạt một giai đoạn kéo dài 2 năm cho việc rút khỏi công ước này.
Trong thông báo cùng ngày, Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove khẳng định: "Rời khỏi Công ước đánh cá London là thủ tục quan trọng khi Anh giành lại việc kiểm soát chính sách đánh cá."
Theo thông báo trên, thỏa thuận sẽ có hiệu lực cùng với Chính sách đánh cá chung của EU - cho phép tàu thuyền của các nước thành viên EU đánh cá trong khu vực cách bờ biển Anh từ 12-200 dặm (trong vòng 300km) và ngược lại Anh cũng sẽ bị cấm từ khu vực này trở ra sau rời khỏi EU.
Ông Gove nói: "Đây là bước đi lịch sử đầu tiên hướng tới việc xây dựng một chính sách đánh cá nội địa mới khi Anh chính thức rời khỏi ngôi nhà chung. Điều này cũng có nghĩa là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, chúng tôi có thể tự quyết định cho phép ai được quyền tiếp cận hải phận của mình."
Theo số liệu thống kê của chính phủ, đội tàu của Anh đã đánh bắt được 708.000 tấn cá trong năm 2015, đạt trị giá 775 triệu bảng (tương đương 1 tỷ USD) trong khi một số thành viên khác tham gia công ước trên ước tính đánh bắt được khoảng 10.000 tấn cá trong khu vực hải phận của Anh.
Quyền đánh cá đã trở thành một chủ đề nóng trong chiến dịch vận động trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit diễn ra hồi tháng 6/2016 khi các ngư dân Anh bày tỏ thất vọng trước hạn ngạch đánh bắt cá mà EU áp đặt./.
(TTXVN/Vietnam+)