Báo Đồng Nai điện tử
En

EU tìm cách "gỡ rối" vấn đề khủng hoảng di cư cho Italy

05:07, 07/07/2017

Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu tiếp tục là trọng tâm trong chương trình nghị sự các cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong bối cảnh làn sóng chống người nhập cư đang lan rộng khắp "lục địa già."

Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu tiếp tục là trọng tâm trong chương trình nghị sự các cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong bối cảnh làn sóng chống người nhập cư đang lan rộng khắp "lục địa già."
Người di cư xếp hàng chờ được cấp giấy phép cư trú tại trụ sở cảnh sát ở Naples, miền Nam Italy. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Người di cư xếp hàng chờ được cấp giấy phép cư trú tại trụ sở cảnh sát ở Naples, miền Nam Italy. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tại cuộc họp không chính thức diễn ra ngày 6/7 ở Tallinn, Estonia, các bộ trưởng Nội vụ EU đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một kế hoạch khẩn cấp của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm hỗ trợ Italy - điểm đến của dòng người di cư từ Bắc Phi, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết của việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tại Libya và các nước láng giềng.

Trong tuyên bố kết thúc cuộc họp, các bộ trưởng Nội vụ EU cho biết "tình hình hiện nay ở Địa Trung Hải và Italy là mối quan ngại lớn đối với toàn bộ các nước thành viên."

Ông Andres Anvelt, Bộ trưởng Nội vụ Estonia - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, nhấn mạnh Italy sẽ không đơn độc và sẽ không phải tự mình hành động.

Dù không đưa ra bất kỳ biện pháp mới nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, song các bộ trưởng Nội vụ EU đã kêu gọi các tổ chức phi chính phủ đang làm công tác cứu hộ người di cư trên Địa Trung Hải hợp tác chặt chẽ với lực lượng tuần tra bờ biển Libya, trong bối cảnh có những quan ngại rằng hoạt động cứu hộ của các tổ chức này khiến người di cư liều lĩnh đánh đổi tính mạng vượt biển với hy vọng sẽ được cứu và đưa tới Italy.

Các nhóm cứu trợ tiến hành hoạt động cứu hộ cần tuân thủ quy tắc ứng xử, sau khi các công tố viên Italy cáo buộc một số nhóm đồng lõa với các đối tượng buôn người ở Libya. Các bộ trưởng cũng cảnh báo sẽ xử phạt bằng hình thức hạn chế thị thực đối với các nước không đưa công dân của mình trở về khi hồ sơ xin tị nạn tại châu Âu của những người này không được chấp thuận.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng Nội vụ EU còn cam kết thành lập một trung tâm cứu hộ chung nhằm tăng cường nỗ lực cứu hộ cùng lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, cũng như giúp củng cố năng lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển Libya tuần tra tốt hơn, buộc các tàu chở người di cư phải quay trở lại nơi xuất phát.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong cuộc họp giữa các bộ trưởng Ngoại giao Libya, các nước láng giềng châu Phi và các đối tác châu Âu, diễn ra tại Rome, Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano cho biết nước này cam kết hỗ trợ 10 triệu euro (11,3 triệu USD) để giúp các nước láng giềng phía Nam của Libya bao gồm Niger, Chad và Sudan kiểm soát tốt hơn tuyến đường biên của mình để người di cư không thể tới Libya.

Ngoài ra, Italy còn dành 18 triệu euro giúp hồi hương tự nguyện những người nhập cư đã đến Libya và quyết định không tiếp tục hành trình về phương Bắc để tới châu Âu. Ngoại trưởng Italy cho rằng để có thể giảm số người rời Libya tới châu Âu, cần giảm số người tới quốc gia Bắc Phi này để chờ cơ hội tìm đường sang châu Âu.

Italy cho rằng họ không còn đủ sức gánh cuộc khủng hoảng người di cư, đặc biệt là trong bối cảnh Rome sắp tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia vào cuối năm nay và trong năm tới, nguy cơ mất an ninh đang trở nên hiện hữu do làn sóng người di cư hiện nay.

Chính phủ Italy gần đây đã đe dọa sẽ đóng cửa các cảng không cho phép các tàu cứu hộ treo cờ nước ngoài cập cảng, nhằm buộc các nước châu Âu khác phải tiếp nhận những người di cư.

Theo thống kê, hơn 2.000 người di cư tìm đường tới châu Âu đã phải bỏ mạng trên Địa Trung Hải từ đầu năm nay, trong khi đó có hơn 73.000 người đã đến Italy trong cùng thời kỳ. Dự kiến, số người di cư tới Italy trong năm nay sẽ ở mức ngang bằng hoặc lớn hơn 181.400 người của năm 2016, nhiều hơn so với con số của 2 năm trước đó./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều