Các tờ báo lớn ở Mỹ ngày 1/6 đã đăng tải nổi bật những bài viết dự đoán về hệ quả của việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Các tờ báo lớn ở Mỹ ngày 1/6 đã đăng tải nổi bật những bài viết dự đoán về hệ quả của việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cảnh khô hạn tại khu vực đập Theewaterskloof gần Villiersdorp, Nam Phi. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
[links()]Tờ The New York Times cho rằng quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một bước thụt lùi quá lớn về mặt thực tiễn chính trị đối với những nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo tại châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã khẳng định rằng dù không có Mỹ họ sẽ vẫn hành động để ngăn chặn Trái Đất ấm lên.
Sự rút lui của Mỹ có thể khiến các quốc gia khác rút khỏi hiệp định hoặc nghĩ lại về những cam kết cắt giảm khí thải của mình, gây khó khăn hơn rất nhiều cho việc đạt được mục tiêu giới hạn mức độ ấm lên của toàn cầu ở ngưỡng có thể kiểm soát.
Quyết định này còn đồng nghĩa với việc Mỹ - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, năng động nhất thế giới - sẽ từ bỏ vai trò đi đầu trong việc tìm kiếm giải pháp ứng phó với sự biến đổi khí hậu.
Một phần then chốt của Hiệp định Paris liên quan đến lời hứa của Mỹ viện trợ 3 tỷ USD cho những nước nghèo hơn để giúp họ mở rộng việc sản xuất năng lượng sạch và thích nghi với tình trạng hạn hán, nước biển dâng và những hệ quả khác nảy sinh từ sự ấm lên của Trái Đất. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chi 1 tỷ USD và một số quốc gia giàu có khác cũng đã chi tiền.
Tuy nhiên, ông Trump cam kết rằng sẽ hủy mọi khoản viện trợ trong tương lai, và như vậy các quốc gia đang phát triển tại châu Phi và châu Á giờ đây có lẽ sẽ kém mặn mà trong nỗ lực cắt giảm khí thải.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều quá bi quan. Ông Luke Kemp, chuyên gia về chính sách khí hậu thuộc trường Đại học Quốc gia Australia, cho rằng cú sốc của việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris có thể khiến các quốc gia khác tăng gấp đôi nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mỹ cũng có thể phải đối diện với những hệ quả ngoại giao nghiêm trọng do rút khỏi Hiệp định Paris. Châu Âu, Trung Quốc và một số nước khác có thể quyết định ngừng hợp tác trong những vấn đề mà Chính quyền Trump đang quan tâm như là mậu dịch. Thậm chí, một số nước có thể còn đe dọa áp đặt thuế quan khí CO2 đối với Mỹ.
Tạp chí Time cũng cho rằng sự rút lui của Mỹ sẽ không kết liễu Hiệp định Paris, và các nhà lãnh đạo thế giới càng tái khẳng định cam kết của mình để đáp trả lại ông Trump.
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều đã cố gắng chứng tỏ sẽ "thừa kế" vai trò đi đầu mà nước Mỹ đảm nhận dưới thời ông Obama trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tháng trước, họ tuyên bố sẽ tiến hành một hội nghị thượng đỉnh chung để đoàn kết các nhà lãnh đạo thế giới trong vấn đề khí hậu, lập ra một nhóm không bao gồm Mỹ. Cả hai bên đều nói rằng sẽ tiếp tục giúp tài trợ cho những dự án năng lượng tái sinh tại thế giới đang phát triển.
Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu và là quan chức phụ trách chính sách năng lượng của EU, đã nói với Tạp chí Time hồi đầu năm rằng "nếu Mỹ không còn được xem là một trong những quốc gia đi đầu, rõ ràng là các nước khác sẽ hướng về phía chúng tôi cũng như Trung Quốc nhiều hơn."
Trên thực tế, đối với Mỹ, hậu quả nghiêm trọng nhất của việc rút khỏi Hiệp định Paris có lẽ là sự thất bại về ngoại giao và đánh mất sự tôn trọng đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Cựu Phái viên về khí hậu của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Envoy Todd Stern, người thay mặt Mỹ đàm phán về Hiệp định Paris, cho biết các quốc gia trên khắp thế giới đã bỏ nhiều công sức cho Hiệp định Paris, và dư luận đã xem đây là một bước tiến lịch sử, do đó "Mỹ sẽ gây ra nhiều sự phẫn nộ và gánh chịu tổn thất khôn lường."
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal dự đoán rằng mặc dù quyết định của Tổng thống Trump báo hiệu sự thay đổi dứt điểm trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề khí hậu, song nhiều nhà lãnh đạo công ty nói rằng trước mắt điều này sẽ hầu như không tác động lên các chiến lược và các khoản đầu tư của họ.
Hiện tại, nhiều công ty không muốn thay đổi chính sách trong lĩnh vực khí hậu vì nhiều lý do khác nhau. Một số công ty đáp ứng nguyện vọng của khách hàng và cổ đông muốn giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhiều công ty lớn hoạt động ở những quốc gia đang thực thi các quy định về khí hậu và do đó không chỉ chịu áp lực từ Chính phủ Mỹ. Một số công ty đang mua vào khí đốt tự nhiên và điện có thể tái sinh thải ít khí CO2 hơn vì những nhiên liệu này ngày càng rẻ.
Nhiều công ty đang có những khoản đầu tư vốn dài hạn nhằm giảm lượng khí thải để phục vụ những mục tiêu dài hạn. Đơn cử như Exxon Mobil Corp., công ty sản xuất dầu lớn nhất có trụ sở tại Mỹ, muốn có một bộ quy định nhất quán và ủng hộ việc duy trì Hiệp định Paris.
Tại một cuộc họp thường niên hồi tuần trước, 62% số cổ đông của công ty này đã bỏ phiếu ra nghị quyết gây áp lực buộc Exxon phải chia sẻ thông tin về việc biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh doanh của công ty.
Công ty General Electric Co. đã chi hàng tỷ USD để có những công nghệ giảm bớt lượng tiêu thụ năng lượng và theo Giám đốc điều hành Jeffrey Immelt, quyết định rút khỏi Hiệp định Paris "sẽ không làm thay đổi những gì mà chúng tôi đang làm để tiết kiệm năng lượng"./.