Ngày 27/6, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng Qatar tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp để tránh leo thang thêm căng thẳng, đồng thời hối thúc Iran đóng góp vai trò xây dựng.
Ngày 27/6, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng Qatar tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp để tránh leo thang thêm căng thẳng, đồng thời hối thúc Iran đóng góp vai trò xây dựng.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. (Nguồn: Getty Images) |
Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp kéo dài 90 phút với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Đức nói: "Chúng tôi hy vọng sớm có thể thảo luận trực tiếp với tất cả các bên bởi một sự leo thang tiếp theo sẽ không đem lại lợi ích cho bất cứ bên nào."
Ông Gabriel cũng cho biết trong năm 2015, một thỏa thuận trong đó các cường quốc chủ chốt bãi bỏ lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran để đổi lại việc chính quyền Tehran cắt giảm chương trình hạt nhân đã giúp tránh xung đột quân sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích thỏa thuận này, nhưng Đức và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào để hủy bỏ thỏa thuận.
Về phần mình, ông Zarif cho hay Iran cũng muốn có một giải pháp chính trị căng thẳng giữa Qatar và các nước vùng Vịnh và "áp lực, trừng phạt và phong tỏa" không phải là phương án tốt. Ngoại trưởng Iran cũng kêu gọi EU tận dụng sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy các bên liên quan tiến hành đối thoại hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay.
Cũng trong ngày 27/6, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tiếp tục thể hiện thái độ không nhượng bộ với Qatar khi tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán nào đối với những đòi hỏi của chính quyền Doha.
Trả lời phỏng vấn các phóng viên trong chuyến thăm Thủ đô Washington của Mỹ, ông Jubeir nói: "Chúng tôi đã nói rõ quan điểm và thực hiện các bước đi của chúng tôi và điều này tùy thuộc vào Qatar nhằm thay đổi thái độ của họ và một khi họ thực hiện thì mọi thứ sẽ được giải quyết, còn không, họ sẽ vẫn bị cô lập... Nếu Qatar muốn trở lại Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) họ biết họ cần phải làm gì."
Đầu tháng 6 vừa qua, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã đồng loạt áp đặt lệnh tẩy chay Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ các chiến binh Hồi giáo - và sau đó đưa ra một tối hậu thư, bao gồm yêu cầu đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Doha, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera và cũng như việc kiềm chế quan hệ với Iran. Chính phủ Qatar phủ nhận cáo buộc chống lại họ và cho rằng các yêu cầu nhằm mục đích hạn chế chủ quyền của nước này./.