Ngày 27/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ định ông Edmond Mulet, quốc tịch Guatemala, là người đứng đầu ủy ban điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Ngày 27/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ định ông Edmond Mulet, quốc tịch Guatemala, là người đứng đầu ủy ban điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Ông Edmond Mulet. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo thông cáo báo chí, ông Mulet sẽ là người đứng đầu ủy ban điều tra độc lập gồm ba thành viên đứng đầu nhóm Cơ chế điều tra chung (JIM) của Tổ chức chống phổ biến vũ khí hạt nhân (OPCW)-Liên hợp quốc được thành lập theo nghị quyết 2235 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2015 về việc sử dụng hóa chất làm vũ khí ở Syria.
Thông cáo báo chí cho biết nghị quyết 2319 của Hội đồng Bảo an sẽ gia hạn sứ mệnh của nhóm điều tra chung thêm một năm, đến ngày 17/11/2016.
Cũng theo thông cáo báo chí, Tổng Thư ký Guterres một lần nữa kêu gọi tất cả các bên tại Syria hợp tác đầy đủ với nhóm điều tra chung, với sự phối hợp và ủng hộ tiếp diễn của các nước ủy viên Hội đồng Bảo an cũng như toàn thể các nước thành viên Liên hợp quốc để đảm bảo thực thi hiệu quả sứ mệnh của cơ chế nói trên.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley đã hối thúc Hội đồng Bảo an tập trung "mọi sự giám sát cũng như sức ép" với Nga nhằm buộc Moskva phải chấm dứt tình trạng vây hãm ở Syria cũng như giúp thúc đẩy hòa đàm ở quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về tình hình khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Syria, bà Haley hối thúc Hội đồng Bảo an hành động, bởi Nga có thể chấm dứt tình trạng hiện nay ở Syria “nếu muốn.” Đáp lại phát biểu của bà Haley, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, ông Petr Iliichev nhấn mạnh cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để đảm bảo các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng các hoạt động thù địch để hoạt động vận chuyển hàng viện trợ được nối lại. Theo ông, việc ngừng các hoạt động thù địch ở Syria, về tổng thể, đang được duy trì và việc tiếp cận các khu vực bị vây hãm đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre khẳng định ngừng bắn và cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận là điều kiện cần thiết để mở đường cho các cuộc hòa đàm có thể tin cậy.
Tại cuộc họp nói trên, Hội đồng Bảo an đã nghe Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ thảm họa, Stephen O'Brien báo cáo về tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Syria, nơi xung đột đã sang năm thứ 7.
Ông O’Brien đã kêu gọi ngừng giao tranh ở khu vực miền Đông Ghouta, ngoại vi thủ đô Damascus, nơi ông cho hay đang có khoảng 400.000 dân thường bị mắc kẹt. Các phái đoàn cứu trợ của Liên hợp quốc đã không thể đến đây từ tháng 10/2016.
Hiện Liên hợp quốc hy vọng có thể đưa chính phủ và phe đối lập Syria trở lại vòng đàm phán mới ở Geneva trong tháng sau, bất chấp tiến triển rất ít tại các vòng hòa đàm trước./.